skip to primary navigation skip to content

Vietnamese English - UK

 

Các nhà khoa học của Khoa Địa lý, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội tham dự Hội nghị Khoa học Địa lý lần thứ XI tại Thành phố Huế

Các nhà khoa học của Khoa Địa lý, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội tham dự Hội nghị Khoa học Địa lý lần thứ XI tại Thành phố Huế

Ngày 20-4, tại Thành phố Huế, Hội Địa lý Việt Nam tổ chức “Hội nghị địa lý toàn quốc lần thứ XI”, với chủ đề “Khoa học địa lý Việt Nam phục vụ phát triển bền vững trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0”.

Tham dự hội nghị có hơn 250 đại biểu là các nhà khoa học, nhà quản lý đang thực hiện việc nghiên cứu, ứng dụng giảng dạy và quản lý khoa học địa lý trong phát triển kinh tế, xã hội. Hội nghị là diễn đàn khoa học quan trọng của các nhà địa lý trong nước và quốc tế, nhằm chia sẻ các kết quả nghiên cứu, kiến thức về địa lý, nhất là giữa các nhà khoa học giàu kinh nghiệm và thế hệ trẻ.

Tại Hội nghị, có 28 báo cáo khoa học được trình bày Tại Phiên toàn thể và Bốn tiểu ban khoa học gồm: 1. Địa lý tự nhiên và tài nguyên, môi trường; 2. Địa lý kinh tế xã hội, nhân văn và du lịch; 3. Bản đồ viễn thám, GIS và ứng dụng công nghệ; 4. Giáo dục và đào tạo địa lý.

Các nhà Khoa học của Khoa Địa lý đã là tác giả hoặc đồng tác giả của trên 20 bài báo trong Tuyển tập Báo cáo Khoa học tại Hội nghị. Nhiều nhà khoa học của Khoa Địa lý giữ trọng trách quan trọng trong Ban tổ chức, tham gia nhiệt tình và đóng góp tích cực vào sự thành công của Hội nghị như GS.TS. Nguyễn Cao Huần, GS.TS. Trương Quang Hải, PGS.TS. Đặng Văn Bào, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Thạch, TS. Bùi Quang Thành, TS. Trần Văn Trường…

Tại Hội nghị, các nhà khoa học của Khoa Địa lý đã trực tiếp trình bày nhiều báo cáo mang tính chất Phát triển lý thuyết hoặc Định hướng ứng dụng, được các nhà Địa lý toàn quốc đón nhận và đánh giá cao như:

  1. Địa lý, thông tin địa không gian trong bối cảnh cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 do TS. Bùi Quang Thành, PCN Khoa Địa lý trình bày tại phiên toàn thể của Hội nghị;

 TS. Bùi Quang Thành trình bày báo cáo tại phiên toàn thể

  1. Hệ thống cảnh báo sớm đa tai biến vùng núi Tây Bắc trên cơ sở tích hợp địa thông tin và công nghệ đa phương tiện, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Thạch trình bày tại phiên toàn thể của Hội nghị;

PGS.TS. Nguyễn Ngọc Thạch trình bày tại phiên toàn thể

  1. Mô hình phát triển bền vững biển đảo : hiện trạng phát triển và định hướng cho các đảo ven bờ Việt Nam, TS. Trần Văn Trường trình bày tại Tiểu ban Địa lý KT-XH, nhân văn và du lịch.
TS. Trần Văn Trường trình bày tại Tiểu ban Tiểu ban Địa lý KT-XH, nhân văn và du lịch

Kết thúc hội nghị, các nhà khoa học địa lý đều thống nhất cho rằng: Vai trò quan trọng của khoa học địa lý đối với sự phát triển kinh tế xã hội ngày càng rõ nét; dữ liệu, thông tin địa lý là nguồn thông tin chính, đóng vai trò quan trọng trong Cơ sở dữ liệu lớn (Bigdata) phục vụ CMCN4.0; định hướng đổi mới trong công tác nghiên cứu đại học và phổ thông về địa lý trên nền tảng CMCN 4.0; khoa học địa lý biển đóng vai trò quan trọng cung cấp cơ sở khoa học cho việc xác lập chủ quyền, an ninh quốc gia trên biển và trên đất liền. Để có nhiều sản phẩm công nghệ 4.0, nhà khoa học địa lý cần "đặt hàng", định hướng cho sự phát triển công nghệ.