Bế mạc kỳ đánh giá AUN-QA lần thứ 95 cấp chương trình đào tạo: Cử nhân ngành Địa lý tự nhiên
Ngày 23/11/2017, ĐHQGHN tổ chức Lễ bế mạc đánh giá AUN-QA lần thứ 95 cấp chương trình đào tạo. Tại đây, các đánh giá viên đã trình bày những báo cáo sơ bộ, đánh giá về ưu điểm và các nội dung cần cải tiến của các chương trình đào tạo.
Sau phần giới thiệu, PGS.TS. Chavalit Wongse-ek và GS.TS. Serlie Jamias đã lần lượt trình bày các điểm mạnh và điểm cần khắc phục của chương trình đào tạo cử nhân ngành Địa lý Tự nhiên.
Báo cáo tự đánh giá AUN-QA chương trình cử nhân ngành Địa lý Tự nhiên được viết theo hướng dẫn phiên bản 3.0 của Ban thư ký AUN gồm 11 tiêu chuẩn với 50 tiêu chí. 3 tiêu chuẩn đầu thuộc về chuẩn đầu ra và cấu trúc, nội dung chương trình đào tạo. Các tiêu chuẩn 4 và 5 thuộc về cách thức tiến hành chương trình như đánh giá sinh viên và phương thức dạy và học. Các tiêu chuẩn 6, 7, 8 thuộc về nội dung chất lượng người dạy, người học và người hỗ trợ. Tiêu chuẩn 9 thuộc về cơ sở vật chất và trang thiết bị. Tiêu chuẩn 10 là điểm khác biệt của hướng dẫn 3.0, trong đó nhấn mạnh cách thức cải tiến chất lượng chương trình về mọi mặt. Tiêu chuẩn 11 tập trung vào hệ thống quản lý và nâng cao chất lượng đầu ra của chương trình.
Các tiêu chuẩn sẽ được các chuyên gia đánh giá của AUN xem xét theo hệ thống tiêu chí đánh giá với thang điểm 7, trong đó mức 4 là mức đạt, nghĩa là các tiêu chuẩn được đánh giá viên xác định là đầy đủ so với hướng dẫn và tiêu chuẩn của AUN-QA.
Ban lãnh đạo Khoa Địa lý trân trọng các đánh giá của chuyên gia AUN và nghiêm túc nhìn nhận thực trạng, khẩn trương lên kế hoạch hành động nhằm cải tiến chất lượng chương trình đào tạo cử nhân Địa lý Tự nhiên, phấn đấu nhận chứng nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế.