skip to primary navigation skip to content

Vietnamese English - UK

 

Thời kì Ngôi nhà chung 1966-1995

Thời kì Ngôi nhà chung 1966-1995

Thời kỳ này có thể được chia thành hai giai đoạn: giai đoạn xây dựng lực lượng ban đầu và giai đoạn bắt đầu phát triển.

1.1. Giai đoạn xây dựng lực lượng (1966 – 1975)

1.1.1. Hoàn cảnh ra đời

Giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn quyết liệt - chiến tranh cục bộ trên toàn Miền Nam và chiến tranh phá hoại ở Miền Bắc, tất cả nhân tài, vật lực đều tập trung chi viện cho chiến trường với “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước”, nhưng Đảng và Nhà nước vẫn giành sự quan tâm không nhỏ cho công cuộc xây dựng đất nước sau khi chiến tranh kết thúc. Cụ thể là Nghị quyết số 142/1966/NQ-TW ngày 28/6/1966 của Bộ Chính trị, Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) về việc mở rộng và hoàn chỉnh các lĩnh vực đào tạo ở Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, trong đó có đào tạo cán bộ trình độ đại học phục vụ điều tra cơ bản trong hệ thống các khoa học về Trái Đất.

Tuy nhiên, để có Nghị quyết này, Đảng và Nhà nước đã nhìn xa hơn về tương lai với một kế hoạch đào tạo đội ngũ cán bộ điều tra cơ bản trong lĩnh vực nói trên. Vì thế, ngay từ đầu những năm 1960, sau thời kì hàn gắn vết thương chiến tranh và phục hồi kinh tế, bước vào Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, đã có nhiều sinh viên được cử đi học về Địa lý và Địa chất ở các nước thuộc phe Xã hội Chủ nghĩa lúc bấy giờ, đặc biệt là ở Liên Xô, nhằm đào tạo các cán bộ có trình độ đại học về điều tra cơ bản cho công cuộc xây dựng đất nước sau khi kết thúc chiến tranh, thống nhất đất nước.

Thực hiện Nghị quyết này, Bộ Đại học và Trung học Chuyên nghiệp (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã có kế hoạch chuẩn bị lực lượng để phát triển một lĩnh vực đào tạo mới về Địa lý - Địa chất ở trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Ngay trong tháng 6/1966, Bộ đã phân công 3 sinh viên mới tốt nghiệp tại Khoa Địa lý, Trường Đại học Tổng hợp Mascơva mang tên Lomonosov, về nhận công tác tại trường Đại học Tổng hợp Hà Nội: các thầy Nguyễn Quang Mỹ, Nguyễn Hoàn và Lê Đình Vần. Những tháng sau đó là các thầy Lê Hưng Khởi, Vương Tường Vân, Nguyễn Chí Soạn, Nguyễn Hữu Lạc, Vũ Chí Hiếu, Vũ Tiến Dũng, Lê Văn Mạnh cũng được thu nhận về trường và được bố trí sinh hoạt tạm thời cùng với Khoa Sinh học ở khu sơ tán thuộc huyện Đại Từ, tỉnh Bắc Thái (nay là tỉnh Thái Nguyên).

Đến ngày 15/8/1966, Bộ trưởng Bộ Đại học Trung học Chuyên nghiệp ký quyết định số 284/1966/QĐ-BĐH-THCN về việc thành lập Khoa Địa lý - Địa chất tại trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Thực hiện Quyết định này, vào tháng 9/1966, một khung Ban chủ nhiệm Khoa Địa lý - Địa chất đã được thành lập với Chủ nhiệm là Phó tiến sỹ Nguyễn Văn Chiển – nhà địa chất đầu tiên của Việt Nam, người đã xây dựng thành công ngành đào tạo kỹ sư Mỏ - Địa chất ở Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (sau phát triển thành Trường Đại học Mỏ - Địa chất hiện nay) và được tách ra sinh hoạt riêng, không cùng với Khoa Sinh nữa. Khoa Địa lý – Địa chất được thành lập với mục tiêu là đào tạo nguồn nhân lực có trình độ đại học phục vụ nghiên cứu, điều tra cơ bản trong lĩnh vực Khoa học Trái đất. Nhiệm vụ đào tạo, trong trong giai đoạn này được thực hiện trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh và hậu quả nặng nề của nó, do đó, đã gặp nhiều khó khăn và gian khổ. Vào thời điểm này toàn khoa chỉ có 14 cán bộ, trong đó có 12 là cán bộ giảng dạy kể trên (6 cán bộ về Địa lý và 6 cán bộ về địa chất) và 2 người phục vụ (chị Đào và chị Hoàn). Hầu hết tuổi đời của các cán bộ còn rất trẻ, chỉ mới ngoài 20, trừ thầy Nguyễn Văn Chiển. Sau khi hình thành khung tổ chức, Khoa Địa lý - Địa chất đã tiến hành khai giảng khóa học đầu tiên (1966-1970) với gần 100 sinh viên.

Trong hoàn cảnh chiến tranh, mọi hoạt động xã hội ở Miền Bắc lúc đó đều tập trung “Tất cả cho tiền tuyến”, “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, thống nhất nước nhà”. Do đó, thầy và trò Khoa Địa lý - Địa chất cũng như thầy và trò Trường ĐHTH HN và các trường đại học khác nói chung đã phải 2 lần sơ tán khỏi Hà Nội: lần thứ nhất từ 1966 – 1969 ở huyện Đại Từ tỉnh Bắc Thái (nay thuộc tỉnh Thái Nguyên) và lần thứ 2 là từ tháng 4 đến tháng 12 năm 1972 tại huyện Hiệp Hòa, tỉnh Hà Bắc (nay thuộc tỉnh Bắc Giang). Đồng thời mọi người luôn sẵn sàng nhập ngũ để thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ của thanh niên “Thời loạn”. Trong 10 năm (1966 - 1975), thầy và trò Khoa Địa lý - Địa chất đã tham gia 6 đợt tuyển quân theo tiếng gọi của non sông đất nước. Đó là các đợt tuyển quân: 08/1970; 09/1971; 01/1972; 05/1972; 09/1972; 01/1975.

Tổng số sinh viên Khoa Địa lý - Địa chất nhập ngũ trong các đợt này là 82 và 4 cán bộ là các thầy giáo Nguyễn Đình Hòe, Hoàng Ngọc Trà, Cao Công Tường và nhân viên Nguyễn Bá Cựu. Chiến tranh kết thúc, nhiều sinh viên trở về trường và tiếp tục học tập (hoặc theo chuyên ngành đã được phân công trước khi nhập ngũ hoặc chuyển sang chuyên ngành khác, thậm chí chuyển sang các khoa khác). Nhiều sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc được giữ lại làm cán bộ giảng dạy, trong số đó có thầy Vũ Văn Phái. Song có nhiều sinh viên không trở về nữa, các anh đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, là các anh:

1. Nguyễn Hoàng Quý, sinh viên Khóa 3 (1968-1972) ngành Khí tượng, hy sinh tại chiến trường Khu 4.

2. Phạm Ngọc Côn, sinh viên Khóa 4 (1969-1974) ngành Địa lý, hy sinh tại chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng.

3. Vũ Như Minh, sinh viên Khóa 5 (1970-1975) ngành Địa chất, hy sinh tại chiến trường Nam Tây Nguyên.

4. Nguyễn Văn Khải, sinh viên Khóa 5 (1970-1975) ngành Địa chất, hy sinh tại chiến trường Nam Tây Nguyên. 

1.1.2. Cơ cấu tổ chức và lực lượng cán bộ

Khoa Địa lý - Địa chất là một đơn vị mới được thành lập và lại phải đào tạo một lĩnh vực khoa học cơ bản có đối tượng nghiên cứu rất rộng cả về thời gian lẫn không gian, nên Khoa rất được quan tâm phát triển đội ngũ cán bộ giảng dạy. Chỉ trong nửa cuối của năm 1966, lực lượng cán bộ của khoa đã tăng đáng kể, chỉ riêng cán bộ giảng dạy đã khá đầy đủ để phụ trách từng lĩnh vực chuyên môn.

Tiếp theo, vào các năm 1967, 1968 và 1973 là những năm được bổ sung thêm lực lượng đông nhất, chủ yếu là một loạt các cán bộ giảng dạy trẻ vừa tốt nghiệp ở các trường đại học tại Liên Xô (cũ) và các nước Đông Âu. Năm 1967, có các thầy Lê Mai, Trần Công Minh (Khí hậu), thầy Lê Đức Tố, Nguyễn Quang Hùng (Hải dương học), thầy Nguyễn Vi Dân (Địa mạo), thầy Hoàng Đức Triêm, Nguyễn Đức Huy (Địa lý tự nhiên), thầy Võ Văn Đạt (Địa chất), thầy Nguyễn Bá Linh (Thổ nhưỡng)  v.v…; năm 1968 có cô Kiều Thị Xin (Khí tượng), thầy Lê Quang Toại (Hải dương học), thầy Đào Đình Bắc (Địa mạo, được chuyển từ Cục Bản đồ Phủ Thủ tướng về Khoa), thầy Nguyễn Ngọc Trường, Vũ Đình Lý, thầy Trịnh Hân (Địa chất),v.v.; năm 1972 và 1973 có các thầy Phạm Quang Anh (Sinh thái Cảnh quan, được chuyển từ Khoa Sinh), Trần Yêm (Bảo vệ môi trường) Trần Tân Tiến, Nguyễn Hướng Điền, cô Đinh Quỳnh Như (Khí tượng), thầy Đinh Văn Ưu, Phạm Văn Huấn (Hải dương học), thầy Đinh Văn Thanh, Tạ Đình Chính (Địa lý kinh tế), Nguyễn Văn Sơn (Địa lý tự nhiên), các thầy Chu Văn Ngợi, Tạ Trọng Thắng, Trịnh Long, Tạ Hòa Phương (Địa chất), các thầy tốt nghiệp khóa 1967- 1971 được giữ lại thuộc ngành Địa lý: thầy Nguyễn Đức Khả (Địa mạo) v.v. Cho đến năm học 1974-1975, toàn khoa Địa lý - Địa chất đã có tới khoảng 80 cán bộ và được chia thành 7 bộ môn đào tạo: Địa chất lịch sử, Địa chất cấu tạo, Địa hóa - Khoáng sản, Khí tượng - khí hậu, Hải dương học, Địa mạo, Địa lý tổng hợp và các cán bộ Văn phòng Khoa và Phòng thí nghiệm. Lúc bấy giờ chưa có đào tạo lĩnh vực Thủy văn học và Bản đồ học. Chỉ tính riêng số cán bộ giảng dạy thuộc lĩnh vực địa lý như hiện nay đã tăng từ 6 người vào năm 1966, như đã nói ở trên, đến năm 1975 đã tăng lên 24 người. Đó là các thầy: Nguyễn Quang Mỹ, Nguyễn Hoàn, Lê Đình Vần, Lê Hưng Khởi, Vương Tường Vân, Nguyễn Chí Soạn, Hoàng Đức Triêm, Nguyễn Vi Dân, Đào Đình Bắc, Nguyễn Xuân Trường, Nguyễn Bá Linh, Trần Yêm, Nguyễn Văn Sơn, Đinh Văn Thanh, Tạ Đình Chính, Nguyễn Đức Khả, Phạm Quang Anh, Nguyễn Cao Huần, Nguyễn Thị Hải, Trần Đức Thanh, và 4 nữ nhân viên phòng thí nghiệm là Trần Thị Giới, Phan Lan, Trần Ngọc Lan và Tạ Thị Mộng Hiền và 1 nữ nhân viên văn phòng là Cô Thuân.

Lúc đầu, cán bộ giảng dạy trong khoa Địa lý - Địa chất được sinh hoạt thành 2 tổ chuyên môn là Tổ Địa chất (gồm Địa chất lịch sử, Địa chất cấu tạo và Địa hóa - Khoáng sản) và tổ Địa lý (gồm Khí hậu - Khí tượng, Hải Dương học, Địa mạo và Địa lý tự nhiên). Đến năm học 1971-1972, do có sự khác biệt về một số vấn đề cả về chuyên môn lẫn tổ chức, nên Tổ Địa lý được tách thành 2 tổ Bộ môn:

1. Địa lý - Địa mạo do thầy Nguyễn Vi Dân làm Tổ trưởng Bộ môn.

2. Khí tượng - Hải dương do thầy Lê Đức Tố làm Tổ trưởng Bộ môn.

Như vậy, cho đến thời điểm này, ở khoa Địa lý - Địa chất đã hình thành 3 nhóm chuyên môn lớn thuộc hệ thống Các khoa học về Trái đất: Địa lý, Địa chất và Khí tượng - Hải dương. Từ 3 hướng này, đã phát triển thành 3 khoa độc lập theo quyết định số 435/TCCB ngày 21 tháng 10 năm 1995 của Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội.  

Cùng với sự tăng về số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ giảng dạy cũng được nâng cao. Để chuẩn bị cho công cuộc xây dựng đất nước sau khi kết thúc chiến tranh, ngay từ cuối những năm 1960 và đầu những năm 1970, nhiều cán bộ giảng dạy, đặc biệt là những người con ở Miền Nam, đã được cử đi học nâng cao trình độ - làm Nghiên cứu sinh để có bằng Phó Tiến sỹ (nay là Tiến sỹ). Riêng trong Khối địa lý (như hiện nay, không kể các chuyên ngành Khí tượng, Thủy văn và Hải Dương học) có các thầy Nguyễn Quang Mỹ (1968), Lê Hưng Khởi (1968) và Hoàng Đức Triêm (1970) đã được trở lại Liên Xô (nay là Cộng hòa Liên bang Nga) để đào tạo bậc Sau đại học và đã bảo vệ thành công luận án Phó Tiến sỹ (nay là Tiến sỹ).

1.1.3. Xây dựng cơ sở vật chất

Buổi đầu thành lập trong điều kiện chiến tranh và sơ tán ở vùng núi Thái Nguyên, nên cơ sở vật chất hầu như không có gì - nhà tập thể cho cán bộ: không, ký túc xá cho sinh viên: không, giảng đường: không, giáo trình: không, thư viện: không, v.v. Cán bộ và sinh viên đều ở nhà dân. Giảng đường được xây dựng tạm bằng tre, nứa do chính bản thân các cán bộ và sinh viên thực hiện.

Công việc đầu tiên của Chủ nhiệm khoa và các cán bộ trẻ ở đây là soạn thảo kế hoạch xây dựng và phát triển Khoa, trong đó xác định rõ mục tiêu đào tạo, cơ cấu ngành và chuyên ngành, lộ trình xây dựng các bộ môn, xây dựng phòng thí nghiệm, chương trình, kế hoạch đào tạo, nghiên cứu khoa học và bồi dưỡng cán bộ. Mục tiêu của Khoa Địa lý – Địa chất được xác định là đào tạo cán bộ có trình độ đại học phục vụ nghiên cứu và điều tra cơ bản trong lĩnh vực khoa học Trái đất, với hai ngành đào tạo lớn là Địa lý, Địa chất. Ngành Địa lý có các chuyên ngành: Khí hậu, Địa mạo và Địa lý tổng hợp; ngành Địa chất có các chuyên ngành: Khoáng vật - Thạch học, Địa hóa, Cổ sinh - Địa tầng, Kiến tạo và Đo vẽ bản đồ địa chất. Lúc này Khoa chỉ có hai bộ môn là: Địa lý và Địa chất. Có thể nói rằng các cán bộ Địa lý được đào tạo ở Liên Xô về đã dựng nên cái khung theo trường phái Địa lý Xô Viết trong hoàn cảnh thực tế ở Việt Nam. Một mô hình đào tạo tiên tiến trên thế giới vào những thập kỷ giữa và cuối thế kỷ XX. Ngoài những tư tưởng và kiến thức Địa lý tiên tiến đã lĩnh hội được, họ đã đưa về một hệ thống chương trình đào tạo, những giáo trình chuyên sâu về Địa lý và đã vận dụng thành công vào công tác đào tạo cũng như điều tra cơ bản tài nguyên thiên nhiên và môi trường ở Việt Nam.

Trong hoàn cảnh gian khổ, khó khăn và thiếu thốn ở khu sơ tán trong bối cảnh ác liệt của cuộc chiến tranh phá hoại do Đế quốc Mỹ tiến hành, thầy và trò Khoa Địa lý – Địa chất đã vững vàng trước mọi thử thách, chủ động sáng tạo và linh hoạt hoàn thành mọi nhiệm vụ chính trị của mình. Bên cạnh việc dạy và học, cả Khoa còn phải tổ chức lên rừng chặt gỗ, khai thác tre nứa, kéo qua hàng ki-lô-mét về khu sơ tán để tự xây dựng những phòng học, thư viện, nhà ở, nhà bếp... cho mình và cho cả những sinh viên khóa sau. 

Mỗi tháng, cán bộ và sinh viên ngoài công việc chung được phân công như vượt suối gánh gạo, nhận thực phẩm từ kho của Hiệu bộ (cách 7 km) và chuyển về nhà bếp của khoa... mỗi cá nhân phải hoàn thành nghĩa vụ nộp 50kg củi khô (nữ là 35kg) và 5kg rau xanh cho bếp tập thể.

Mặc dù chưa được khang trang, nhưng trong hoàn cảnh thời chiến, những phòng học, thư viện, nhà bếp vv... được dựng lên bằng tre nứa do công sức của cả thầy và trò cũng đáp ứng được nhu cầu dạy và học trong ba năm học đầu tiên 1966-1967, 1967-1968, 1968-1969 ở nơi sơ tán. Đêm đến, bên ngọn đèn dầu, trong những căn nhà vách đất, các cán bộ mới tốt nghiệp đại học ở Liên Xô đã hăm hở dịch sách, soạn bài giảng cho buổi lên lớp sáng hôm sau. Lứa cán bộ trẻ buộc phải dạy theo kiểu “ăn đong” như vậy trong một thời gian dài vì thiếu giáo trình, thiếu thư viện, thiếu thông tin khoa học và nhất là do thiếu thời gian vì vừa mới về nhận công tác ở Khoa là phải lên lớp ngay... Có thể nói rằng, trong hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ, lớp cán bộ trẻ của nước ta đã thấm nhuần sâu sắc lý tưởng cách mạng vì sự thống nhất non sông đất nước và sự phồn vinh của dân tộc. Do đó, những cán bộ trẻ hừng hực khí thế cách mạng luôn đi tiên phong và sẵn sàng làm việc theo sự phân công của Đảng. Đội ngũ cán bộ giảng dạy trẻ của Khoa Địa lý - Địa chất cũng là những người như vậy. Với hoài bão học tập và nghiên cứu khoa học để xây dựng Tổ quốc sau khi chiến tranh kết thúc, từ Liên Xô trở về, trong hành trang của họ chủ yếu là sách và sách. Chính những quyển sách này đã là nguồn văn liệu quý giá để họ dịch và biên soạn thành hàng loạt giáo trình cho sinh viên học tập.

Tháng 10 năm 1968, Hồ Chủ Tịch gửi thư cho ngành giáo dục, trong đó Người chỉ thị: “Dù khó khăn gian khổ đến đâu cũng phải quyết tâm thi đua dạy thật tốt và học thật tốt”. Thư của Người đem đến một niềm phấn khởi to lớn đối với toàn thể thầy trò Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung, khi Miền Bắc bước vào thời kỳ mới - thời kỳ tạm thời hoà bình, khôi phục kinh tế (1969 - 1972), sau khi Mỹ buộc phải chấm dứt không điều kiện việc ném bom Miền Bắc. Đầu năm 1969, Khoa Địa lý - Địa chất từ nơi sơ tán cũ ở miền núi (xã Lục Ba, Đại Từ, Thái Nguyên) chuyển về nơi sơ tán mới ở vùng nông thôn ngoại thành Hà Nội (xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, ngoại thành Hà Nội). Tại đây cán bộ, sinh viên đều phải ở nhờ nhà dân và công cuộc xây dựng lớp học, nhà bếp,...lại phải thực hiện một lần nữa. Giữa năm 1970, do tình hình chiến sự tạm ổn định, toàn Khoa đã trở về cơ sở  ở Thượng Đình, Hà Nội - vốn là Trường Trung cấp Cơ điện (cũ). Khi đó, đoạn đường từ Ngã Tư Sở đến Hà Đông chưa có tên. Mãi đến năm 1980, con đường này mới được mang tên Người Anh hùng Dân tộc, Danh nhân Văn hóa Thế giới - Nguyễn Trãi và có địa chỉ số 90, quận Đống Đa, nay đổi lại là 334 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội.

Giữa lúc các hoạt động của Khoa dần dần đi vào thế ổn định trong điều kiện thuận lợi của Thủ đô cho công việc đào tạo và nghiên cứu khoa học thì tháng 4 năm 1972, Đế quốc Mỹ lại ồ ạt ném bom trở lại Miền Bắc. Cùng với các khoa khác của Trường ĐHTH HN, Khoa Địa một lần nữa tiến hành khẩn trương sơ tán lên vùng đồi núi của huyện Phú Bình - Bắc Thái (không kể đợt sơ tán ngắn, tạm thời về xã Cự Đà, huyện Thanh Oai - Hà Tây cũ). Trong cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai của Mỹ vào Miền Bắc, tính chất ác liệt đã được thể hiện ngay từ ngày đầu. Khoa gặp vô vàn khó khăn, phương tiện vận chuyển không có đủ, vật liệu làm lớp học và làm nhà ở thiếu thốn, phần lớn phải dựa vào dân, Ban chủ nhiệm Khoa phải cử cán bộ lên vùng chân núi Tam Đảo mua vầu, nứa, gỗ... thuê đóng bè, thả theo hệ thống kênh đào về Phú Bình. Cả thầy trò phải lao động vất vả theo bè, vận chuyển tre, nứa, gỗ, ván bằng đôi vai đến tận nơi làm lớp học, thư viện.

Với quyết tâm của cả thầy và trò Khoa Địa lý - Địa chất đã tìm mọi biện pháp nhanh chóng ổn định cơ sở vật chất, tổ chức tốt đời sống cho cán bộ và sinh viên ở địa điểm sơ tán mới, nhằm phấn đấu giữ vững và nâng cao chất lượng đào tạo trước mắt, tích cực chuẩn bị điều kiện cho sự phát triển trong những năm sau.

Đầu năm 1973, sau khi Hiệp định Paris về Việt Nam được ký kết, toàn Trường ĐHTH HN, trong đó có Khoa Địa lý - Địa chất trở lại thủ đô Hà Nội.

1.1.4. Kết quả về đào tạo và nghiên cứu khoa học

Dù phải vượt qua nhiều khó khăn thử thách, công tác giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học ở khu sơ tán vẫn dần dần đi vào nề nếp. Hệ thống chương trình của tất cả các môn học cơ sở và chuyên đề của cả hai ngành Địa lý, Địa chất đã được biên soạn và hoàn chỉnh dần. Nhiều giáo trình cơ bản như Địa chất đại cương, Địa mạo đại cương, Địa mạo ứng dụng,...đã được biên soạn dưới dạng in Rônêô. Lực lượng cán bộ giảng dạy còn thiếu nhiều, nhưng ngay năm học 1966- 967, khoa đã tuyển sinh khóa đầu tiên (khóa 1 của Khoa Địa lý - Địa chất, tương đương với Khóa 11 của trường Đại học Tổng hợp Hà Nội) với gần 100 sinh viên, được phân công vào học theo 6 lĩnh vực: khí hậu - khí tượng, địa mạo, địa lý tự nhiên, địa chất cấu tạo, địa hóa - khoáng sản và cổ sinh.

Trong việc đào tạo những khoá đầu (từ Khóa I: 1966-1970 đến Khóa III: 1968-1972) bên cạnh việc tăng cường nhanh chóng đội ngũ cán bộ bằng cách tiếp nhận các cán bộ tốt nghiệp từ Liên Xô về, phải kể đến mối liên kết đào tạo rất có hiệu quả với các trường đại học và viện nghiên cứu như Trường Đại học Mỏ - Địa chất, Đại học Sư phạm Hà Nội, Viện Địa chất - Khoáng sản, Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn,...

Bắt đầu từ khóa học 1969-1970, lĩnh vực Hải dương học cũng được đào tạo thuộc lĩnh vực Địa lý. Như vậy, bắt đầu từ năm học 1969-1970, có 7 nhóm chuyên môn được đào tạo tại Khoa Địa lý - Địa chất thuộc 2 ngành lớn: Địa chất và Địa lý.

Trong hoàn cảnh mới thuận lợi hơn so với thời sơ tán, cuối năm 1970 các cán bộ Địa lý của Trường ĐHTH HN đã mở đầu cho công tác mang tính chiến lược lâu dài là đào tạo kết hợp với nghiên cứu khoa học phục vụ thực tế sản xuất và đời sống bằng hoạt động điều tra Địa lý tổng hợp Vùng kinh tế 1A Ba Vì, Hà Tây và năm sau (1971) là Vùng 1B Xuân Mai, Hà Tây. Công trình nghiên cứu thực tế này đã đánh dấu những bước đi rất quan trọng và đúng hướng cho công tác nghiên cứu cơ bản sau này của ngành Địa lý ở Trường ĐHTH HN và sự thành công của nó đã hấp dẫn địa phương đến độ UBND tỉnh Hà Tây cũ trực tiếp xin ngay 6 sinh viên vừa tốt nghiệp Địa lý ở Trường ĐHTH HN năm 1971 về công tác tại tỉnh nhà.

Từ năm 1972, thực hiện Chỉ thị 222/TTg của Thủ tướng Chính phủ (222/CT-TTg), công tác nghiên cứu khoa học và phục vụ thực tế của Khoa Địa lý - Địa chất nói chung, ngành Địa lý nói riêng bước sang giai đoạn mới, giai đoạn có những công trình nghiên cứu bài bản hơn, quy mô hơn, hàm lượng khoa học và giá trị thực tế lớn hơn, nhiều đề tài lần lượt được triển khai thực hiện:

- Điều tra địa mạo khối đá vôi Bỉm Sơn, Thanh Hoá phục vụ cho công trình xây dựng nhà máy xi măng Bỉm Sơn, 1974.

- Điều tra tổng hợp quy hoạch đô thị thị xã Hoà Bình phục vụ cho công trình xây dựng thuỷ điện Hoà Bình trên Sông Đà, 1972.

- Điều tra tổng hợp vùng kinh tế Bắc Quang, Hà Giang, 1972-1973.

- Điều tra cơ bản vùng kinh tế Sơn Dương - Tuyên Quang, 1972-1973.

- Điều tra quy hoạch đô thị Uông Bí, 1973.

- Thành lập Bản đồ địa mạo tờ Lạng Sơn tỷ lệ 1/200.000, 1973-1976. Đã được Hội đồng Nghiệm thu của Tổng cục Địa chất đánh giá Xuất sắc.

Đặc biệt từ tháng 3 đến tháng 5 năm 1974, khi đất nước còn chưa thống nhất, Trường ĐHTH HN đã cử 1 đoàn cán bộ thuộc các Khoa Sinh học, Địa lý - Địa chất và Lịch sử tiến hành một đợt khảo sát khoa học dọc theo dãy Trường Sơn thu được nhiều kết quả và tư liệu khoa học quý giá ở phần phía Nam Tổ quốc. Khoa Địa lý - Địa chất có hai thành viên tham gia đoàn này là các thầy giáo Nguyễn Vi Dân - cán bộ Địa lý và Bùi Ngọc Giảo - cán bộ Địa chất.

Trong công tác nghiên cứu khoa học phục vụ sản xuất theo Chỉ thị 222/TTg các Tổ trưởng, Tổ phó Bộ môn đã năng động, sáng tạo và đầy nhiệt huyết từ thời kỳ đầu những năm 1970, như các thầy giáo Nguyễn Quang Mỹ, Hoàng Đức Triêm, Phạm Quang Anh, Nguyễn Vi Dân, Nguyễn Hoàn,... đã cùng hàng trăm sinh viên các khóa lặn lội khắp các nẻo đường từ Nam ra Bắc, từ rừng núi đến miền ven biển và hải đảo, thực hiện thành công các đề tài nghiên cứu khoa học và ứng dụng thực tiễn, được các địa phương, cơ sở sản xuất, Bộ ĐH và THCN và Trường ĐHTH HN đánh giá cao và trao cho nhiều phần thưởng xứng đáng.

Tóm lại, nét đặc trưng nhất của Khoa Địa lý - Địa chất trong thời kỳ này là kết hợp vừa đào tạo, vừa xây dựng. Công tác xây dựng ở đây không chỉ đơn thuần là cơ sở vật chất đảm bảo chất lượng đào tạo trong thời chiến, mà còn là xây dựng đội ngũ cán bộ, xây dựng khung chương trình, giáo trình để thực hiện phương châm “Dạy tốt, học tốt” như Bác Hồ đã căn dặn trong thư gửi thầy và trò cả nước nhân dịp khai giảng năm học 1968 - 1969.

Do nhu cầu của công tác điều tra cơ bản phục vụ cho công cuộc xây dựng đất nước sau khi kết thúc chiến tranh, ngay từ lúc mới thành lập, Khoa Địa lý - Địa chất đã tiến hành đào tạo tất cả các chuyên ngành có thể đào tạo được. Kể từ khoá học 1973-1974 trở đi, do sinh viên vào Khoa không nhiều, nên có sự luân phiên giữa các chuyên ngành đào tạo. Lúc đầu cách một năm, sau đó cách hai năm. Tình trạng này kéo dài cho đến khi khối các khoa học Trái đất được tách ra thành các khoa độc lập như hiện nay. Trong thời gian đầu 1966-1968, sinh viên được đào tạo theo chương trình 4 năm. Sau đó tăng lên 4,5 năm (1969-1978), rồi 5 năm (1979-1995) và trở lại 4 năm (từ 1995 đến nay).

Trong 10 năm đầu (1966-1975), Khoa Địa lý - Địa chất đã đào tạo được 9 khóa sinh viên ngành Địa lý. Tuy số lượng không đông, nhưng những sinh viên sau khi tốt nghiệp đã được phân công về công tác thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau từ cấp trung ương cho đến địa phương, từ các cơ quan nghiên cứu khoa học đến cơ quan quản lý, giảng dạy đại học, dạy Trung học Phổ thông, thậm chí cả trong quân đội. Trong đó có nhiều người đã trưởng thành và trở thành những cán bộ “vừa hồng vừa chuyên” giữ nhiều cương vị lãnh đạo khác nhau. Chỉ tính riêng trong ngành Địa lý đã có:

1. TS. Nguyễn Thành Vạn, sinh viên Khóa 1, nguyên là Phó cục trưởng Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam.

2. TS. Ngô Quang Toàn, sinh viên Khóa 1, nguyên là Kỹ thuật trưởng Đoàn Địa chất Hà Nội.

3. Nguyễn Văn Hồng, sinh viên Khóa 2, nguyên là Vụ phó Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

4. Đặng Bắc Quân, sinh viên Khóa 2, nguyên là Phó thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Tây.

5. Đỗ Trọng Khôi, sinh viên Khóa 2, nguyên là Giám đốc Bảo tàng Bộ đội Biên phòng, Bộ Quốc Phòng.

6. TS. Nguyễn Thế Tiệp, sinh viên Khóa 3 (1968-1972) và cũng là Nghiên cứu sinh của Khoa Địa lý-Địa chất, bảo vệ Luận án Phó Tiến sỹ năm 1993; nguyên Viện trưởng Viện Địa chất và Địa vật lý Biển, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam (nay là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam).

7. TS. Nguyễn Thanh Sơn, sinh viên Khóa 3, nguyên Phó giám đốc Công ty Du lịch Hải Phòng.

8. Nguyễn Văn Hà, sinh viên Khóa 4, nguyên Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, tỉnh Quảng Bình.

9. Nguyễn Chu Chân, sinh viên Khóa 4, nguyên Phó tổng biên tập Tạp chí Tư tưởng - Văn hóa (sau khi đi bộ đội về, chuyển sang Khoa Kinh tế, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, năm 1976).

10. TS. Nguyễn Đình Kỳ, sinh viên Khóa 5, nguyên Viện trưởng Viện Địa lý, Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

11. TS Vũ Văn Vĩnh, sinh viên Khóa 5, Giám đốc Trung tâm Viễn thám và Hệ thông tin địa lý, liên đoàn Bản đồ Địa chất Miền Nam.

12. TS Nguyễn Xuân Độ, sinh viên khóa 5, Phó cục trưởng Cục điều tra và Kiểm soát Tài nguyên và Môi trường Biển, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam.

13. Nguyễn Văn Truyện, sinh viên Khóa 6, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, tỉnh Hà Nam.

14. Ngô Quang An, sinh viên Khóa 6, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, tỉnh Nam Định.

15. TS Đặng Huy Rằm, sinh viên Khóa 6, nguyên là Vụ trưởng Vụ hợp tác Quốc tế, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam

16. TS Hà Quang Hải, sinh viên Khóa 7, Chủ nhiệm Khoa Môi trường, trường Đai học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TP HCM.

1.2. Ngành Địa lý giai đoạn đầu phát triển (1976 – 1995) 

1.2.1. Bối cảnh xã hội

Bối cảnh xã hội trong nước và trên thế giới trong thời kỳ này đã có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển giáo dục và đào tạo đại học trong cả nước nói chung, cũng như của trường và khoa nói riêng. Trong nước, Chiến thắng lịch sử ngày 30/4/1975 đã đưa đất nước ta vào thời kỳ phát triển mới: thời kỳ xây dựng kinh tế và phát triển xã hội để thực hiện niềm mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Di chúc trước khi người đi xa “xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Nhưng chiến tranh Biên giới Tây Nam (đỉnh điểm là 1977-1978) và Biên giới phía Bắc (đỉnh điểm là 1979), trận chiến Trường Sa (1988) lại nổ ra. Trong cuộc chiến tranh Biên giới phía bắc, trường ĐHTH HN đã động viên 1.335 cán bộ và sinh viên tham gia xây dựng “Phòng tuyến bảo vệ thủ đô” (thường gọi là phòng tuyến sông Cầu) với phiên hiệu Trung đoàn 10 - Trung Đoàn Nguyễn Huệ do thầy Đặng Huy Chi - Hiệu phó, làm Trung đoàn trưởng. Khoa Địa lý – Địa chất đã cử 18 cán bộ và một Trung đội sinh viên tham gia. PTS. Nguyễn Quang Mỹ được bổ nhiệm Trung đoàn phó, kiêm Đảng ủy viên Trung đoàn phụ trách hậu cần. Theo sự chỉ đạo của trên, Trung đoàn đã hoạt động rất hiệu quả trong thời gian 3 tháng. Thầy và trò Khoa Địa lý – Địa chất đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Trên thế giới, sự kết thúc thời kỳ “chiến tranh lạnh” dẫn đến sự sụp đổ của Liên Xô nói riêng và các nước Xã hội Chủ nghĩa ở Châu Âu nói chung đã không còn là chỗ dựa cả về vật chất và tinh thần cho chúng ta. Do đó, việc “xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn gặp muôn vàn khó khăn về mọi mặt: từ nhân tài, vật lực cho đến chính sách trong phát triển kinh tế, đối nội, đối ngoại, v.v. Trước tình hình đó, cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã nói “hãy tự cứu mình, trước khi trời cứu” và Công cuộc “Đổi mới” được khởi xướng từ Đại hội lần thứ 6 của Đảng Cộng sản Việt Nam vào cuối năm 1986. Đây là một động lực mới giúp cho mọi lĩnh vực trong xã hội, từ phát triển kinh tế đến đời sống xã hội, giáo dục - đào tạo, v.v. đều có cơ hội phát triển. Và Đại học Quốc gia Hà Nội với mục tiêu phát triển liên ngành đã được ra đời trong hoàn cảnh như vậy - vào những năm đầu của Thời kỳ Đổi mới (năm 1993).

Tuy nhiên, trong thời kỳ này, có nhiều Chương trình nghiên cứu khoa học ở các cấp quản lý khác nhau, từ cấp Nhà nước đến cấp địa phương và ở nhiều vùng, miền khác nhau: từ miền núi đến hải đảo, từ bắc vào nam, đã tạo điều kiện cho các cán bộ trong khoa tham gia đóng góp. Điển hình là các Chương trình Biển và Hải đảo, Chương trình Môi trường, Chương trình Tây Nguyên I. Ngoài ra, một số đề tài, dự án hợp tác về đào tạo và nghiên cứu khoa học với một số nước trên thế giới cũng đã được thực hiện. 

Trong thời kỳ này, Khoa Địa lý – Địa chất cũng gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là công tác tuyển sinh. Hàng năm sinh viên vào học Khoa Địa lý - Địa chất chỉ vài chục người. Do đó, Ban Chủ nhiệm Khoa xin phép Lãnh đạo trường cho đào tạo cách quãng bắt đầu từ K17 (1973-1974, tức là K7 của Khoa): đầu tiên cách nhau 1 năm: Địa lý (bao gồm cả Khí tượng, Thủy văn và  Hải dương) và Địa chất, sau đó 2 năm cho 3 khối riêng biệt: Địa lý, Địa chất và Khí tượng-Thủy văn-Hải dương cho đến K38 (năm học 1994-1995). 

Cũng vì lý do không có sinh viên, nên cán bộ không có hoạt động đào tạo một cách thường xuyên. Thời gian rảnh rỗi thì nhiều, đời sống lại vô cùng khó khăn và “đói thì đầu gối phải bò” được thực hiện rộng rãi trong xã hội nước ta nói chung và của trường, khoa nói riêng. Lúc bấy giờ Khoa đã thành lập một “Xưởng gạch” để tạo công việc có thu nhập cho cán bộ trong khoa. Tuy nhiên, khối Địa lý (1980 – 1989) cũng không tham gia làm trong “Xưởng gạch” nhiều, vì tạo ra được những công việc về chuyên môn. Đó là việc thực hiện 2 đề tài từ 1982 - 1985: “Thành lập Atlas” (thầy Nguyễn Quang Mỹ chủ trì) và “Hệ sinh thái cây Cà phê” (thầy Phạm Quang Anh chủ trì) ở tỉnh Đăk Lăk (nay là tỉnh Đăk Lăk và tỉnh Đăk Nông); đo giải thửa cho một số xã ở huyện Phú Xuyên, đo đất thổ cư cho một số xã ở huyện Đông Anh, đo vẽ một số đường phố Hà Nội phục vụ xây dựng tuyến cao áp (thầy Nguyễn Thế Phương chủ trì). Ngoài ra, một số thày cô đã tìm cách đi xuất khẩu lao động sang các nước Đông Âu, hoặc liên hệ với các trường đại học ở đó để làm thực tập sinh (chủ yếu sang các trường trước đây các thày cô đã học) trong thời gian một hoặc 2 năm với mục tiêu phải giành được học vị Phó tiến sỹ (nay là Tiến sỹ). Đó là các thầy Nguyễn Vi Dân (1986) và thầy Nguyễn Cao Huần (1990 - 1992).

Trong năm 1988, Trường ĐHTH HN và Khoa Địa lý – Địa chất đón nhận 2 sự kiện lớn:

1. Cán bộ toàn trường bầu Hiệu trưởng Trường ĐHTH HN theo quy chế do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành. PGS.TSKH Nguyễn An trở thành Hiệu trưởng đầu tiên của Trường thông qua bầu cử. Tiếp đó, các khoa Vật lý, Địa lý - Địa chất, Ngữ văn, Triết học và Kinh tế đã lần lượt tiến hành bầu Chủ nhiệm khoa. PGS.TS Đặng Trung Thuận trở thành Chủ nhiệm Khoa Địa lý - Địa chất đầu tiên được bầu theo quy trình tương tự như bầu Hiệu trưởng.

2. Từ năm học 1988-1989 ngành giáo dục đại học bắt đầu thực hiện đào tạo theo hai giai đoạn: Đại cương và Chuyên ngành. Khoa Địa lý - Địa chất một mặt phải xây dựng lại chương trình môn học phù hợp với sự chuyển hướng đào tạo (từ đào tạo sâu chuyển sang rộng) của ngành, mặt khác, phải tăng cường hoạt động biên soạn giáo trình chính thống (in typô) để đáp ứng nhu cầu đào tạo và nghiên cứu khoa học trong tình hình mới.

Mặt khác, nhằm mở rộng đào tạo và nghiên cứu khoa học theo hướng ứng dụng, Khoa Địa lý-Địa chất đã phân công cho nhóm các thày trong khối địa lý soạn thảo 2 chương trình đào tạo mới về Môi trường (nay là Khoa Môi trường thuộc trường Đại học Kho học Tự nhiên) và Du lịch (nay là Khoa Du lịch thuộc trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) với sự tham gia đặc biệt của hai thày Phạm Quang Anh và Nguyễn Vi Dân.

Đầu những năm 90 được đánh dấu bằng việc thành lập Đại học Quốc gia Hà Nội theo Nghị định của Chính phủ ngày 20/12/1993. Giám đốc là GS.VS. Nguyễn Văn Đạo. Tiếp đó năm 1995, bộ phận khoa học tự nhiên của Trường ĐHTH HN được tách ra để thành lập Trường Đại học Khoa học Tự nhiên thuộc Đại học Quốc Gia Hà Nội, Hiệu trưởng là GS.TSKH. Đào Trọng Thi.

Với sự thay đổi cơ cấu tổ chức, hành chính và nhân sự của Đại học Quốc Gia Hà Nội, của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên và những vấn đề bức xúc từ thực tiễn qua 10 năm thực hiện đường lối đổi mới nền kinh tế - xã hội đất nước (thực hiện theo nghị quyết Đại hội Đảng VI, 1986), trong bối cảnh hội nhập quốc tế và khu vực, nhiều vấn đề trong hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học không còn thích hợp, đòi hỏi phải được đổi mới và hiện đại hóa mà nổi lên là các vấn đề về hệ thống đào tạo, cơ cấu ngành nghề, cải cách giáo dục đại học, cập nhật trình độ khoa học, công nghệ thế giới.

Để có điều kiện phát triển toàn diện các ngành đào tạo và đáp ứng được những yêu cầu của công cuộc đổi mới cũng như cập nhật được sự phát triển nhanh chóng của khoa học và công nghệ hiện đại, Khoa Địa lý - Địa chất với nhiều ngành khác nhau của khoa học Trái đất đều đã trưởng thành cần phải được đổi mới và tổ chức lại nếu không muốn lỡ thời cơ và tụt hậu. 

1.2.2. Cơ cấu tổ chức và lực lượng cán bộ

Trong suốt thời kỳ này (1976-1995), tổ chức của Khoa Địa lý - Địa chất hầu như không thay đổi gồm Ban Chủ nhiệm khoa và 3 tổ chuyên môn: Địa lý, Địa chất, Khí tượng - Hải dương và phòng Phân tích. Sau này cả Thủy văn gộp vào tổ Khí tượng - Thủy văn và Hải dương và thêm Văn phòng Dự án Việt Nam - Canada.

Sau giải phóng, để tăng cường các thày có kinh nghiệm trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học cho các trường đại học ở phía nam, 4 cán bộ của khoa, thuộc ngành Địa lý đã được điều chuyển là thầy Lê Hưng Khởi và cô Vương Tường Vân tăng cường cho thành phố Hồ Chí Minh, thầy Hoàng Đức Triêm và kỹ thuật viên Trần Thị Giới tăng cường cho Đại học Huế.

Sau khi chuyển 4 cán bộ cho các trường ở Miền Nam, số lượng cán bộ của Khoa Địa lý - Địa chất nói chung, và của ngành địa lý nói riêng đã giảm. Tuy nhiên, trong suốt 20 năm (1976-1995), lực lượng của khoa không tăng được bao nhiêu. Cụ thể, trong ngành Địa lý như hiện nay được bổ sung thêm 9 cán bộ, gồm: Nguyễn Đình Vạn, Nguyễn Thị Tám (1976), Vũ Văn Phái, Đinh Hữu Lực, Quách Cao Yềm (1978), Nguyễn Thị Thanh Hải, Trần Hoàng Yến (1980), Phạm Quang Tuấn (1986), Đặng Văn Bào (1987). Song cũng đã có 10 cán bộ chuyển đi, ngoài 4 cán bộ nói trên, còn 5 cán bộ khác là: Nguyễn Văn Sơn, Tạ Đình Chính, Phạm Thị Lan (Địa lý Tự nhiên Tổng hợp), Đinh Hữu Lực, Quách Cao Yềm (Địa mạo) và Nguyễn Thị Tám (nghỉ hưu năm 1992).

Mặc dù số lượng không nhiều, nhưng chất lượng đội ngũ cán bộ đã được tăng lên rõ rệt. Từ chỗ chỉ có 3 Phó Tiến sỹ (Tiến sỹ) (sau năm 1975 đã có 2 cán bộ địa lý chuyển về công tác tại Huế và thành phố Hồ Chí Minh) Địa lý ở thời kỳ trước, thì trong thời kỳ này đã tăng lên đáng kể: tới 9 cán bộ gồm Nguyễn Quang Mỹ (Tiến sỹ Khoa học, 1990), Nguyễn Hoàn (1979), Đào Đình Bắc (1980), Nguyễn Vi Dân (1986), Đinh Văn Thanh (1985), Nguyễn Cao Huần (1992), Trương Quang Hải (1991), Nhữ Thị Xuân (1994), Trần Đức Thanh (1995). Với lực lượng cán bộ như vậy, ngành Địa lý đã đủ sức thực hiện các nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học trong thời kỳ mới.

Cũng cần phải nói thêm rằng, trong thời kỳ này, với tư tưởng muốn kiện toàn hệ thống khoa học Địa lý ở trường Đại học Tổng hợp (giống như trường Matx-cơ-va), được sự đồng ý của Ban giám hiệu nhà trường, Ban chủ nhiệm khoa đã nhận về một số cán bộ về lĩnh vực Bản đồ, như cô Hoàng Phương Nga, thầy Nguyễn Thế Phương, cô Nhữ Thị Xuân vào cuối những năm 1970 và được bố trí sinh hoạt cùng với Bộ môn Địa mạo. Vào những năm 1980, Khoa cũng nhận thêm một số cán bộ về lĩnh vực Thủy văn, như Nguyễn Văn Tuần, Nguyễn Thị Nga, Đặng Quý Phượng và được bố trí sinh hoạt cùng với Bộ môn Địa lý Tự nhiên Tổng hợp. Đến năm 1982, thành lập Bộ môn Bản đồ và đến năm 1984 thành lập Bộ môn Thủy Văn trực thuộc Khoa Địa lý - Địa chất, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

1.2.3. Hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học

Một đặc thù của tất cả các chuyên ngành Địa lý là ngoài nhiệm vụ thực tập trong phòng thí nghiệm, trong quá trình học tập, sinh viên được rèn luyện qua nhiều đợt thực tập thực tế ngoài thiên nhiên và các cơ sở sản xuất. Trong quá trình học tập của mỗi khoá, những năm đầu, sinh viên được trang bị những kiến thức khoa học cơ bản chung cho mỗi ngành khoa học. Năm thứ ba và thứ tư các nhóm sinh viên được hướng đào tạo theo các chuyên ngành của các bộ môn.

Về đào tạo:

Mặc dù có thời gian là 20 năm, nhưng có nhiều khó khăn như đã trình bày ở trên, nên số lượng sinh viên được đào tạo về Địa lý, cũng như Địa chất và Khí tượng - Thủy văn và Hải dương học ở Khoa Địa lý - Địa chất là không nhiều. Tuy nhiên, một số sinh viên sau khi tốt nghiệp cũng đã thành đạt cả về chuyên môn lẫn phẩm chất chính trị. Riêng trong ngành Địa lý, có thể dẫn ra một số điển hình sau:

1. TS. Đặng Văn Bào, sinh viên khóa 18, nguyên Giám đốc Trung tâm Phát triển Đại học Quốc gia Hà Nội.

2. TS, NGƯT Trương Quang Hải, sinh viên khóa 19, nguyên Phó Viện trưởng, Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển.

3. TS. Lại Vĩnh Cẩm, sinh viên khóa 19, nguyên Viện trường Viện Địa lý, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

4. TS. Uông Đình Khanh, sinh viên khóa 23, Phó Viện trưởng, Viện Địa lý, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

5. Đỗ Tiến Dũng, sinh viên khóa 23, Giám đốc quốc gia làng trẻ em SOS Việt Nam.

6. Đào Hồng Tuấn, sinh viên khóa 23, Phó Viện trưởng Viện Địa lý nhân văn.

7. TS. Phạm Quang Tuấn, sinh viên khóa 25, Chủ nhiệm Khoa Địa lý.

8. TS. Nguyễn Đăng Hội, sinh viên khóa 34, Viện trưởng Viện Sinh thái nhiệt đới, Trung tâm nhiệt đới Việt Nga, Bộ Quốc phòng.

9. Nguyễn Đức Tuệ, sinh viên khóa 34, Giám đốc Trung tâm Thông tin địa lý, Cục Bản đồ, Bộ Tổng Tham mưu.

10. Phạm Quốc Ka, sinh viên khóa 34, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hải Phòng.

11. Nguyễn Văn Khước, sinh viên khóa 34, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Phúc.

12. Trần Văn Chương, sinh viên Khóa 35 Địa lý (lớp Bản đồ mở rộng), Giám đốc Công ty cổ phần Phát triển công nghệ Đo đạc và Bản đồ.

13. Hoàng Kim Quang (Hoàng Dũng), sinh viên Khóa 35 Địa lý (lớp Bản đồ mở rộng), Chủ tịch hội đồng thành viên công ty TNHH ANTHI, Việt Nam.

14. TS. Nguyễn Hiệu, sinh viên Khóa 37, Trưởng Ban Tổ chức cán bộ, ĐHQG Hà Nội.

15. TS. Trần Anh Tuấn, sinh viên Khóa 37, Phó Vụ trưởng Vụ Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo.

16. Vũ Kim Chi, sinh viên Khóa 37, Phó Viện trưởng, Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển.

17. TS. Lê Văn Thăng, NCS, bảo vệ Luận án Phó Tiến sỹ năm 1995; Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và Công nghệ Sinh học, thuộc Đại học Huế.

18. TS Hà Văn Hành, NCS, bảo vệ năm 2002,Phó hiệu trưởng Trường