skip to primary navigation skip to content

Vietnamese English - UK

 

Kỷ niệm về những người thầy của Bộ môn Địa chính, Khoa Địa lý

Kỷ niệm về những người thầy của Bộ môn Địa chính, Khoa Địa lý

Kỷ niệm về những người thầy của Bộ môn Địa chính, Khoa Địa lý

Nhân dịp 25 năm ngành Địa chính (Quản lý đất đai) 1996-2021 và kỷ niệm 55 năm truyền thống Khoa Địa lý, trường ĐHKHTN

        Vào năm 2000, khi tôi học xong bậc tiến sĩ ở Cộng hòa Liên bang Nga và về làm việc tại Bộ môn Địa chính (nay là Bộ môn Quản lý đất đai), Bộ môn khi đó đã có 7 cán bộ. Các thành viên ban đầu khi thành lập Bộ môn năm 1996, ngoài thầy Đặng Hùng Võ – khi đó là Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chính làm cán bộ kiêm nhiệm, thì các thầy Nguyễn Quang Mỹ (nguyên Chủ nhiệm Khoa Địa lý), Nguyễn Đức Khả, Nguyễn Đức Linh đều là cán bộ ngành Địa lý chuyển sang. Qua tìm hiểu thông tin thì để mở được ngành đào tạo Đại học Địa chính ở Khoa Địa lý, các thầy cũng dày công lắm, chẳng hạn như thầy Mỹ đã đạp xe đạp khoảng 15 lần sang tận Tổng cục Địa chính ở số 83 đường Nguyễn Chí Thanh để vận động các lãnh đạo Tổng cục Địa chính ủng hộ, thầy Khả và thầy Linh cùng Ban chủ nhiệm Khoa phải tiếp cận lĩnh vực mới để xây dựng Chương trình đào tạo. Khi mở được ngành rồi thì các thầy phải tự học và chuyển đổi ngay về mặt chuyên môn để có thể đáp ứng được yêu cầu đào tạo một ngành mới mang cả tính pháp lý, kỹ thuật, kinh tế, xã hội như ngành Địa chính. Nhưng khi làm việc cùng các thầy, tôi rất kính nể và cảm phục tinh thần học tập, nghiên cứu của các thầy, nhất là đối với người phụ trách trực tiếp của tôi là thầy Khả. Mặc dù không được đào tạo bài bản từ ngành Quản lý đất đai, đã có tuổi, nhưng các thầy rất chịu khó đọc sách, nghiên cứu chuyên sâu, viết được những cuốn sách “gối đầu giường” cho sinh viên và cán bộ giảng viên ngành Địa chính. Năm 2003 thầy Khả đã viết và xuất bản được cuốn sách “Lịch sử quản lý đất đai”, năm 2007 xuất bản được cuốn “Cơ sở Địa chính”. Những cuốn sách do thầy Mỹ viết về xói mòn đất như “Xói mòn đất hiện đại và các biện pháp chống xói mòn” xuất bản năm 2005 là những kiến thức không chỉ cho sinh viên chuyên ngành Địa mạo mà còn rất cần đối với sinh viên ngành Địa chính trong đánh giá tiềm năng đất đai phục vụ quy hoạch sử dụng đất. Các thầy luôn tìm tòi những tri thức, phương pháp giảng dạy mới và trao đổi, thảo luận cùng chúng tôi ứng dụng cho hoạt động đào tạo. Trong giảng dạy và hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học, làm khóa luận tốt nghiệp, các thầy yêu cầu khắt khe về chất lượng nhưng rất tận tình chỉ bảo cho sinh viên để đạt được hiệu quả cao trong học tập, nghiên cứu.

        Trong các đợt đi thực tập, thực địa, các thầy đều là những người rất nhiệt tình hướng dẫn cán bộ trẻ và sinh viên. Năm 2000 khi tôi mới về Khoa, thầy Mỹ khi đó đã 62 tuổi nhưng vẫn rất xông xáo nhiều lần cùng đoàn khảo sát hang động Hoàng Gia Anh và sinh viên, học viên đi thực địa tại Phong Nha, Kẻ Bàng. Tôi đã tham gia đưa sinh viên ngành Địa lý, Địa chính đi thực tập Địa lý tự nhiên từ năm 2000-2007 cùng thầy Khả và các thầy khác như thầy Vũ Văn Phái, thầy Nguyễn Đức Huy, thầy Nguyễn Đình Vạn. Mặc dù hơn tuổi chúng tôi nhiều nhưng các thầy đều là những “vận động viên đi bộ, leo núi”, mỗi lần phải leo lên đỉnh các quả đồi, núi để quan sát, đào phẫu diện đất tại Ba Vì, Cát Bà, Bãi Cháy, các thầy đều là những người leo lên đỉnh trước tiên, trong khi tôi và nhóm học trò ì ạch theo sau, thường nghỉ giữa chừng vài chặng mới tiếp cận được đỉnh đồi cao. Khi chưa đi thực địa về Địa lý tự nhiên, tôi chưa hiểu lắm về mối liên hệ giữa Địa lý và Địa chính. Nhưng khi đi thực địa cùng các thầy, được các thầy giảng giải về nguồn gốc, lịch sử vùng đất, quy luật hình thành đất, thảm thực vật trên đất, các hiện tượng trượt lở đất, xói lở bờ sông, bờ biển,…và thông qua quan sát thực tế, tôi thấy rất lý thú và bổ ích cho những nhà Địa chính – Quản lý đất đai, cần phải hiểu rõ bản chất, tiềm năng của đất đai thì mới quản lý tốt được.

        Trong cuộc sống, các thầy rất giản dị, khiêm nhường. Chúng tôi đã gọi thầy Mỹ - một người con của xứ Quảng Bình là “Bọ Mỹ”, tình cảm coi như cha chú của mình, gọi thầy Khả là “Thầy Đồ”, các thầy luôn có thái độ làm việc nghiêm túc nhưng cũng rất tình cảm với đồng nghiệp, học trò. Thầy Mỹ đến nhà tôi chơi và tiếp xúc với gia đình tôi có một lần nhưng thầy nhớ tên từng thành viên của gia đình tôi. Mỗi lần tôi gặp thầy, kể cả về sau này khi thầy đã về hưu và đôi mắt của thầy không còn tinh tường nữa, thầy vẫn ân cần hỏi han về các thành viên trong gia đình tôi khiến tôi rất xúc động. Thầy Khả luôn quan tâm đến cuộc sống, tâm tư của các thành viên trong Bộ môn và động viên chúng tôi làm việc, phấn đấu. Mỗi dịp liên hoan, thầy luôn là ngọn cờ tạo ra không khí vui vẻ, đầm ấm. Thầy có đức tính không muốn phiền hà, để người khác phải bận tâm về mình. Tôi nhớ vào năm 2009 khi tôi cùng đi công tác giảng dạy với thầy Khả ở trường Đại học Quy Nhơn, khi đó thầy có triệu chứng bệnh thận, tình trạng khá phức tạp, phải tạm dừng giảng dạy và cần đi ra ngoài Hà Nội ngay để điều trị, thời điểm đó chưa có đường bay hàng không từ Quy Nhơn ra Hà Nội. Tôi và cô Lương Thị Vân lúc đó là Trưởng Khoa Địa lý - Địa chính của Đại học Quy Nhơn đề xuất với thầy để một cán bộ đi cùng thầy trên tàu từ Bình Định ra Hà Nội nhưng thầy dứt khoát không đồng ý. Ngay cả khi bị bệnh nặng trước lúc ra đi năm nay, thầy cũng không cho gia đình báo tin để các đồng nghiệp vào thăm thầy.

        Các thầy của chúng tôi như vậy đó, luôn tận tụy hết lòng vì công việc chung, sống giản dị, lấy sự kính trọng, quý mến, sự tiến bộ phát triển của sinh viên và của đồng nghiệp làm động lực để cống hiến, đây là bản sắc của người giảng viên Khoa Địa lý và cũng là truyền thống của Trường Đại học Tổng hợp – Đại học Khoa học Tự nhiên. Hình ảnh và những đức tính trân quý của các thầy mãi đọng trong tâm trí của chúng tôi. Tôi và thế hệ trẻ của Bộ môn hiện nay sẽ tiếp bước các thầy, sẽ không ngừng nỗ lực phấn đấu xây dựng và phát triển Bộ môn Quản lý đất đai để xứng đáng với công sức và niềm tin của các thầy đã tạo dựng.

 Trần Văn Tuấn