skip to primary navigation skip to content

Vietnamese English - UK

 

Hoạt động nghiên cứu hang động của Khoa Địa lý

Hoạt động nghiên cứu hang động của Khoa Địa lý

Sau kết quả khám phá năm 2009, hang Sơn Đoòng trở thành tâm điểm chú ý các nhà khoa học trong nước và trên thế giới, đặc biệt trong các lĩnh vực về hang động và thực vật học. Để có một bức tranh toàn cảnh về chiếc hang được đánh giá là lớn nhất thế giới này, Khoa Địa lý, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội và Hội hang động Hoàng gia Anh tiêp tục phối hợp tổ chức một đợt khảo sát hang Sơn Đoòng với quy mô lớn vào năm 2010.

Đoàn khảo sát hang Sơn Đoòng năm 2010

Đây là đợt khảo sát có quy mô lớn nhất từ trước đến nay với sự có mặt của các nhà khoa học địa mạo Trường ĐHKH Tự nhiên (PGS.TS. Vũ Văn Phái, TS. Nguyễn Hiệu), nhà hang động học Mỹ (TS. Darryl R.), các nhà sinh vật từ Newzeland (TS. Annete B.) và Viện Địa lý, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam (CVC. Nguyễn Hữu Tứ, ThS. Vũ Anh Tài), các nhà khám phá hang động (Howard L., Deb L., Paul I., Robine G.S., Jonathan S., Howard C.) các nhà làm phim (Chủ nhiệm James K., đạo diễn Patrick K., quay phim Simon R., trợ lý quay phim Dan E., âm thanh Paul R.) và phóng viên (nhà văn Mark D., nhiếp ảnh Carsten P., trợ lý chụp ảnh Robert S.) của kênh truyền hình và tạp chí nổi tiếng National Geographic (N.G.). Cùng với sự tham gia, giúp đỡ của 23 người dân địa phương trong đó có anh Hồ Khanh – người phát hiện ra hang Sơn Đoòng, cán bộ của Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Mr.Hiền), Phòng Xuất nhập cảnh Quảng Bình (Mr. Dương) và Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch (Mr.Long), đoàn khảo sát, với số lượng lớn chưa từng có - 46 người rời Sơn Trạch đi hang Sơn Đoòng vào sáng sớm ngày 11/3/2010.

Tập kết trước hang Én

Vượt qua hang Én

Trước cửa hang Sơn Đoòng

Text Box: Bình đồ hang Sơn Đoòng (kết quả đo vẽ năm 2009) và các vị trí được đo vẽ bổ sung đợt một năm 2010

Theo đúng kế hoạch, tối 11/3 đoàn cắm trại tại cửa hang Én, sáng 12/3 từ hang Én đi hang Sơn Đoòng, ngày 13/3 bắt đầu khảo sát hang và kết thúc vào 18/3. Sáng ngày 19/3 đoàn quay về Sơn Trạch.

Hoạt động nghiên cứu và các kết quả khảo sát

Về kích thước hang Sơn Đoòng, năm 2009, đoàn đã đo vẽ được tổng chiều dài hang là 6481m, độ chênh cao từ +13,6m đến - 168,4m. Trong đợt khảo sát này, đoàn đo vẽ bổ sung phần nhánh hang chưa được khảo sát trong năm 2009 và phần còn lại của hang sau bức tường dựng đứng được tạo bởi một khối nhũ khổng lồ choán toàn bộ lòng hang (bức tường này được đặt tên là Great Wall of Vietnam - Bức tường khổng lồ của Việt Nam). Để khảo sát phần hang còn lại, đoàn phải chuẩn bị gần 2 ngày để khoan đặt hệ thống dây leo và bảo hiểm, đồng thời phải sử dụng kỹ thuật leo dây để vượt lên đỉnh của khối nhũ - cao 80m so với nền hang. Từ phần đỉnh của khối nhũ này, còn 115m nữa mới tới trần hang. Sau bức tường, hang Sơn Đoòng tiếp tục thêm 350m nữa thì kết thúc. Lòng hang rộng và kéo dài theo trục chính của hang. Cửa ra của Sơn Đoòng chỉ rộng khoảng 30m, cao 20m nằm ở độ cao khoảng 165m so với mực nước biển. Trong đoạn hang này, đoàn phát hiện nhiều dấu vết chứng tỏ đã từng có người dân địa phương đã vào lấy nước. Có nhiều vết chân thú trong hang, đặc biệt phát hiện một bộ xương, theo phán đoán ban đầu là của một con gấu nhờ hình dáng hộp sọ và hai hốc mắt lớn, đã bị phủ một lớp canxit.

Hang Sơn Đoòng phát triển kéo dài dọc theo một đứt gãy lớn có phương ĐB-TN, trùng với phương chính của hang Khe Ry- hang nước dài nhất thế giới cùng trong hệ thống hang Phong Nha (được khảo sát vào các năm 1997, 1999). Theo kết quả tính toán, lưu lượng dòng chảy ở đây có thể đạt 2000m3/s vào mùa lũ. Hang được chia thành 3 đoạn có đặc điểm khác nhau. Đoạn thứ nhất, từ cửa hang đến hố sập 1 đang còn tiếp tục hoạt động ở giai đoạn bị xâm thực sâu và sập đổ (active cave). Đây là đoạn hang có địa hình phức tạp, di chuyển rất khó khăn. Dòng sông chảy thành khe hẹp ép về phía trái hang, phần lớn chảy ngầm dưới các khối đá sập. Dòng chảy xuất lộ ở gần hố sập 1 nằm thấp hơn nền hang gần 50m và kéo dài thêm khoảng 250m thì chảy ngầm vào trong núi. Theo suy đoán, dòng chảy này sẽ đổi hướng chảy về phía TB để nhập với dòng chảy từ hang Toong rồi đổ về hang Phong Nha.

Text Box: Đoạn hang ở phần cuối hang Sơn Đoòng (ảnh Howard Limbert)Đoạn hang còn lại từ sau hố sập 1 hiện nay đã bị “bỏ rơi” và trở thành các hang hoá thạch (fossil cave) giống như hang Phong Nha Khô. Căn cứ vào độ cao của nền hang và dòng chảy ở đoạn hang 1, có thể phần này của hang Sơn Đoòng phát triển cùng thời kì với hang Phong Nha khô. Chúng tôi còn phát hiện được các vật liệu hạt thô, thậm chí là các viên cuội có kích thước 4-5cm liên quan đến dòng chảy có áp lực lớn ở phía trước hố sập 2. Điều này cho thấy, hố sập thứ 2 của hang xuất hiện trước hố sập thứ 1. Nhận định này cũng được khẳng định vì thảm thực vật ở hố sập 1 còn khá mới. Như vậy, đoạn hang từ hố sập 1 đến hố sập 2 chỉ bị bỏ rơi sau khi xuất hiện hố sập 1. Các mẫu vật thu thập được gồm mẫu bùn, mẫu cuội, sỏi được mang về Mỹ để xác định tuổi chính xác của hang. Sự xuất hiện các hố sập (Collapsed Doline) và cùng với đó là thảm thực vật xuất hiện trong hang đã mang lại sự khác biệt của Sơn Đoòng. Nguyên nhân xuất hiện của các hố sập là do tại các vị trí này lớp đá vôi trên trần hang mỏng, và quan trọng là trùng với vị trí giao nhau của các đứt gãy. Tại hố sập 1 chúng tôi đã quan sát thấy một khối lượng lớn các vật liệu dăm tảng được gắn kết với nhau rơi xuống từ trần hang.

Bộ xương ở gần cửa ra hang Sơn Đoòng

(Ảnh Howard Limbert)

Hố sập 1 (ảnh Nguyễn Hiệu)

Hố sập 2 và thảm thực vật trong hang (Ảnh Howard Clarke)

Text Box: Nhóm làm phim của kênh truyền hình National Geographic và dụng cụ tác nghiệpKết quả nghiên cứu bước đầu về thực vật ở các hố sập cho thấy có tổng số hơn 200 mẫu loài. Về thảm thực vật, tại các lỗ hổng có ánh sáng nhưng độ dốc cao, chỉ có các loài thân thảo bì sinh, rêu và một số dây leo sống bám vào mặt đá vách và nền hang. Ở phía trên có các loài cây bụi, cây gỗ nhỏ và dây leo phát triển trên bề mặt của khối đá miệng các lỗ hổng, chúng có cành vươn xuống phần không gian trống tạo ra từ lỗ hổng này. Về thành phần loài, không có sự khác biệt so với thảm thực vật ở phía ngoài. Tại hố sập 1, thảm thực vật là trảng cỏ, trảng cây bụi có xen một số cây thân gỗ nhỏ, là các cây non của các loài cây gỗ ở bên ngoài hố xụt phát tán tới. Thành phần còn lại cũng là những cây thân thảo hoặc thân bụi phổ biến như ở bên ngoài như: Bồng bồng, Bọ mắm, Môn thục, Tiêu rừng, Ráy leo…. Tại hố sập 2, thảm thực vật bao gồm một khoảng rừng có cây gỗ lớn cao đến 30m, phân tầng khá rõ nhưng không có tầng vượt tán, tầng tán thưa thớt, tầng dưới tán khá đông đúc bởi các loài cây ưa bóng. Cây gỗ tầng tán thường nhỏ, tán hẹp, thưa trong khi tầng cây bụi và thảm tươi khá đông đúc, tất cả là những loài chịu bóng, thích hợp với điều kiện thiếu ánh sáng dưới nền của hố sập. Các loài bì sinh khá phổ biến trên cành của những cây tầng tán. Mặc dù chưa phát hiện thêm những loài thực vật mới, nhưng những đặc trưng của thảm thực vật phát triển trong điều kiện đặc biệt về nhiệt, ẩm này đã thực sự tạo nên nét độc đáo có một không hai cho hang Sơn Đoòng.

Trong suốt thời gian làm việc từ 13/3 đến 18/3, các hình ảnh của hang Sơn Đoòng và hoạt động nghiên cứu đều được các nhà làm phim và phóng viên của N.G ghi lại. Với phần dàn dựng công phu của đạo diễn Patrick K., ngòi bút sắc sảo của nhà văn Mark D. và những bức ảnh về hang Sơn Đoòng của nhiếp ảnh gia nổi tiêng Carsten P., những thước phim quý giá với các cảnh quay hoành tráng và những thông tin về 20 năm hợp tác nghiên cứu hang động giữa Hội hang động Hoàng gia Anh và Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, cũng như quá trình khám phá hang Sơn Đoòng và sự phát triển của Phong Nha - Kẻ Bàng sẽ được chuyển tải giới thiệu tới hàng triệu khán giả, độc giả trên khắp thế giới.

Đợt một của chương trình khảo sát năm 2010 tại Quảng Bình đã kết thúc thành công tốt đẹp với sự nỗ lực tuyệt vời của tất cả các thành viên trong đoàn khảo sát cùng sự giúp đỡ tận tình của các ban ngành chức năng, đặc biệt là những người dân mộc mạc, hiếu khách của xã Sơn Trạch, Quảng Bình. Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn về tất cả những giúp đỡ quý báu đó!