Bộ môn Địa mạo và Địa lý - Môi trường biển
Bộ môn Địa mạo và Địa lý - Môi trường biển
(Department of Geomorphology and Marine Geography - Environment)
Trưởng Bộ môn: PGS.TS Đặng Văn Bào
Phó Trưởng Bộ môn: TS. Ngô Văn Liêm
1. Giới thiệu chung
* Năm thành lập
Chuyên ngành Địa mạo học được phát triển ngay từ đầu khi mới thành lập khoa Địa lý – Địa chất thuộc trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, song trong giai đoạn 1966 – 1971, được xếp chung vào tổ Địa lý. Tổ Địa lý ban đầu gồm Khí tượng, Địa mạo và Địa lý Tự nhiên; đến năm 1969 bổ sung thêm Hải dương học; đến năm 1972 tách ra 2 tổ là: tổ Địa lý - Địa mạo (thày Nguyễn Vi Dân là Tổ trưởng) và tổ Khí tượng - Hải Dương (thày Lê Đức Tố làm Tổ trưởng); năm 1975 tách thành tổ Địa Mạo và tổ Địa lý tự nhiên tổng hợp; năm 1977 tổ Địa mạo ghép thêm chuyên ngành Bản đồ, có tên là Tổ Địa mạo - Bản đồ; năm 1982 có tên là Bộ môn Địa mạo; năm 1997 có tên là Bộ môn Địa mạo - Địa lý biển và đến khoảng năm 2008 đổi thành tên như hiện nay: Đia mạo và Địa lý - Môi trường biển.
* Quá trình phát triển
Với đặc thù của một chuyên ngành có vị thế nằm ở miền giáp ranh giữa hai nhóm ngành lớn của các Khoa học về Trái đất là Địa chất và Địa lý, chuyên ngành Địa mạo đã được phát triển ở khoa Địa lý – Địa chất từ sớm và có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và chủ quyền của tổ quốc. Bộ môn Địa mạo là đơn vị đào tạo chuyên ngành Địa mạo duy nhất ở Việt Nam, nơi cung cấp cho đất nước những nhà chuyên môn có kiến thức và tay nghề thành thạo để thực hiện những công trình nghiên cứu về địa mạo, địa động lực và tai biến thiên nhiên, tham gia vào công tác quy hoạch và quản lý lãnh thổ, tìm kiếm khoáng sản, địa kỹ thuật và công trình.
Kể từ khi được thành lập đến nay, Bộ môn đã có những bước phát triển và trưởng thành không ngừng, luôn luôn tự vận động nâng cao để cập nhật những vấn đề mới của địa mạo học trên thế giới, áp dụng và bám sát được nhu cầu thực tiễn của Việt Nam.
Trong những năm đầu mới thành lập, Bộ môn với lực lượng gồm 5 cử nhân trẻ mới trở về từ các trường Đại học của Liên Xô (Nguyễn Quang Mỹ, Nguyễn Hoàn, Lê Đình Vần (1966), Nguyễn Vi Dân (1967) và Đào Đình Bắc (1968), đã tập trung sức lực chủ yếu cho việc đào tạo. Sau đó được bổ sung thêm 2 cán bộ mới là Nguyễn Xuân Trường được đào tạo từ Liên Xô (1969) và Nguyễn Đức Khả được giữ lại làm cán bộ giảng dạy từ khóa đào tạo thứ 2 của chính Bộ môn (năm 1972). Tuy lực lượng chỉ gồm những cán bộ giảng dạy trẻ còn nhiều bỡ ngỡ, nhưng những khóa đào tạo đầu tiên đã đem lại thành quả chất lượng khá cao.
Đến năm 1975, khi tách ra thành bộ môn độc lập, Bộ môn có 8 cán bộ, trong đó có 1 phó tiến sĩ (Nguyễn Quang Mỹ), 6 cử nhân (Nguyễn Hoàn, Nguyễn Vi Dân, Đào Đình Bắc, Nguyễn Xuân Trường, Nguyễn Đức Khả và Trần Đức Thanh) và một kĩ thuật viên (Trần Thị Giới). Những năm sau đó nguồn nhân lực của bộ môn đã phát triển mạnh mẽ. Ba cử nhân tốt nghiệp loại xuất sắc năm 1977 được giữ lại làm cán bộ giảng dạy là Vũ Văn Phái, Đinh Hữu Lực (năm 1980 nhập ngũ, sau đó chuyển công tác về Sở Giáo dục đào tạo tỉnh Ninh Bình, là Trưởng phòng Tổ chức cán bộ), Quách Cao Yềm (năm 1985 chuyển về UBND tỉnh Gia Lai – Kon Tum, sau đó làm Phó đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Kon Tum, Hiệu trưởng trường Chính trị tỉnh Kon Tum). Bộ môn đã có các Giáo sư đầu ngành như GS.TS. Nguyễn Quang Mỹ, GS.TS. Đào Đình Bắc, các Phó giáo sư như PGS.TS. Nguyễn Vi Dân, PGS.TS. Nguyễn Hoàn, PGS.TS. Vũ Văn Phái, PGS.TS. Đặng Văn Bào, PGS.TS. Nguyễn Hiệu.
Các kết quả đào tạo và nghiên cứu khoa học đã cho thấy Bộ môn Địa mạo đang đi đúng hướng. Đồng thời với sự phấn đấu để trở thành các chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực của Địa mạo học, phần lớn các chuyên gia của Bộ môn đã vượt ra khỏi chuyên môn hẹp về địa mạo đơn thuần để đến với Địa lý tổng hợp, bao gồm cả những hướng về quản lý tài nguyên, môi trường và tai biến thiên nhiên, quản lý biển đảo, kinh tế sinh thái, quy hoạch và quản lý lãnh thổ. Về mặt lý thuyết, đó là cái đích tất yếu phải vươn tới của mọi nhà địa lý: đến với mục đích phục vụ thực tiễn tối hậu trên cơ sở vận dụng những kiến thức chuyên ngành của mình. Cách làm đó đã góp phần cho thấy tính cần thiết, thậm chí tính không thể thay thế, của những kiến thức về các quy luật địa lý trong mọi hoạt động phát triển của xã hội loài người.
2. Đào tạo
+ Đào tạo đại học
Bộ môn đã xây dựng được 2 chuyên ngành/hướng chuyên sâu đào tạo bậc đại học là Địa mạo &Tai biến thiên nhiên, Địa lý và Môi trường biển. Có thể phân chia công tác đào tạo tại bộ môn thành 3 giai đoạn sau:
Giai đoạn 1966 – 1975: Trong thời kỳ đầu phát triển, mặc dù trong hoàn cảnh chiến tranh chống Mỹ, đội ngũ cán bộ giảng dạy còn ít, giáo trình chưa nhiều, song với đội ngũ giáo viên được đào tạo cơ bản từ Liên Xô (cũ), công tác đào tạo đại học đã đạt được kết quả đáng trân trọng. Ngay từ ngày thành lập ngành Địa lý tại Trường ĐHTH HN đã có lớp sinh viên địa mạo đầu tiên (1966-1970). Đội ngũ sinh viên tốt nghiệp của các khóa đầu của Bộ môn đã làm việc một cách tự tin cả trong ngành Địa chất (TS. Ngô Quang Toàn, Khóa I) cũng như trong công tác nghiên cứu Địa Lý (PGS.TS. Lại Huy Anh, Khóa I) và nhiều người khác giữ trọng trách cao trong các Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Hoạt động kinh tế (Đại tá Nguyễn Ngọc Khôi, khóa II); TS. Nguyễn Thế Tiệp, TS. Nguyễn Thanh Sơn (khoá III); Nguyễn Văn Hà (Khóa IV) TS. Vũ Văn Vĩnh (Khóa V), PGS.TS. Hà Quang Hải, TS. Đặng Huy Rằm (Khóa VII),.... Trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, nhiều sinh viên của Bộ môn Địa mạo đã lên đường nhập ngũ. Trong số đó có người đã ngã xuống vì Độc lập - Tự do của Tổ quốc (Phạm Ngọc Côn, Khóa IV), có người ở lại phục vụ Quân đội cho đến khi về hưu (Phí Văn Đấu, Khóa IV), là Phóng viên chiến trường của VNTTX (Phạm Hữu Độ, Khóa II), một số khác trở về Bộ môn tiếp tục học tập và đều trưởng thành (TS Nguyễn Tứ Dần, Khóa III; PGS. TS. Vũ Văn Phái, Khóa IV; TS. Nguyễn Khánh Mậu, Khóa IV).
Giai đoạn 1975 - 1996: Mặc dù số lượng đầu vào không lớn (thường chỉ dưới 10 SV), song sinh viên chuyên ngành Địa mạo vẫn được đào tạo theo chương trình riêng. Chương trình đạo một cách cơ bản và đúng đắn đã tạo nên một thế hệ cử nhân đạt chất lượng tốt, có khả năng nghiên cứu độc lập về chuyên môn khi được phân công về các cơ quan công tác khác nhau. Nhiều người trong số đó cũng đã trưởng thành và có nhiều tiển bộ trong công tác và học tập sau này: PGS.TS. Hà Quang Hải, TS. Đặng Huy Rằm, TS. Hoa Mạnh Hùng (Khóa 7); PGS. TS. Đặng Văn Bào (Khóa 8); TS. Phạm Văn Hùng, TS. Nguyễn Văn Hùng và TS. Bùi Văm Thơm (Khóa 11); PGS.TS. Uông Đình Khanh, TS. Đinh Văn Huy và TS. Võ Thịnh (Khóa 13); TS. Mai Thành Tân và TS. Vũ Tuấn Anh (Khóa 34), PGS.TS. Nguyễn Hiệu, (Khóa 37),...
Giai đoạn 1996 đến nay: Khi mới tách khoa, việc đào tạo vẫn còn sự ngắt quãng của những năm trước đó. Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 1996 đến nay, Bộ môn liên tục có sinh viên học Địa mạo và từ năm 2000 có cả sinh viên học chuyên ngành Địa lý và Môi trường biển. Đến nay có trên 60 người đã tốt nghiệp. Một số sinh viên cũng đã cố gắng vượt khó để học tập ở các bậc cao hơn (một số người đã có học vị Thạc sỹ, còn Trần Thanh Hà và Ngô Văn Liêm - sinh viên Khóa 44 của Khoa - đã đạt được học vị Tiến sỹ).
Từ khi thành lập đến nay, Bộ môn đã đào tạo được 34 khoá với trên 100 sinh viên đã tốt nghiệp, hiện đang công tác tại các cơ quan chuyên môn như: Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Viện Nghiên cứu Địa chất và Khoáng sản thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường; Viện Địa lý, Viện Địa chất, Viện Hải dương học Nha Trang, Viện Địa chất và Địa vật lý Biển, Viện Tài nguyên và Môi trường Biển thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Tổng Cụng ty Dầu - khí, Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh, Ban quản lý di sản thiên nhiên thế giới,...
Các thầy giáo trong bộ môn đã rất cố gắng biên soạn giáo trình và dịch các tài liệu giáo khoa của các nước tiên tiến. Đến nay đã có 8 giáo trình và 7 sách chuyên khảo được xuất bản, 5 giáo trình và sách tham khảo khác sẽ được in trong thời gian tới.
+ Đào tạo sau đại học
Nằm trong một Trường Đại học định hướng nghiên cứu tiên tiến, công tác nghiên cứu khoa học và đào tạo sau đại học được bộ môn đặc biệt quan tâm.
Bộ môn được giao phụ trách, quản lý chương trình đào tạo cả bậc thạc sĩ và tiến sĩ 2 chuyên ngành: Địa mạo & Cổ địa lý, mã số 1.07.03 (nay đổi thành 60/62.44.02.18) và Bảo vệ, sử dụng hợp lý và tái tạo tài nguyên thiên nhiên, mã số 1.07.14 (kể từ năm 2010 được đổi tên thành Quản lý Tài nguyên và Môi trường, mã số 60/62.85.01.01) với số lượng học viên và NCS khá lớn của trường.
Trong những năm qua, Bộ môn đã không ngừng cập nhật, đảm bảo được chương trình đào tạo có tính khoa học, hiện đại và Việt Nam. Các đề tài luận văn, luận án đều được đánh giá và thẩm định nghiêm túc và kết quả đào tạo sau đại học đảm bảo chất lượng, được các chuyên gia và cơ sở sử dụng nhân lực đánh giá cao, là kết quả nỗ lực của các Thày/Cô trong bộ môn trong suốt những giai đoạn đã qua.
Đến nay Bộ môn đã quản lý và tổ chức đào tạo được trên 100 thạc sỹ và 35 Tiến sỹ.
3. Nghiên cứu khoa học
Bộ môn Địa mạo và Địa lý môi trường biển có đối tượng nghiên cứu phong phú, đa dạng và luôn gắn với những vấn đề mới của thực tiễn, nhờ vậy mà luôn có điều kiện đổi mới các hoạt động của mình:
+ Các cán bộ của bộ môn đã tập trung trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu địa mạo khu vực, địa mạo Việt Nam. Ngay từ khi mới thành lập, Bộ môn đã bắt đầu thử sức mình một cách thành công trong những công trình nghiên cứu phục vụ thực tế đầu tiên: Điều tra cơ bản phục vụ quy hoạch lãnh thổ các vùng Kinh tế IA - Ba Vì và IB - Chương Mỹ, Hà Tây (1971); Điều tra địa mạo công trình cho Thủy điện sông Đà (1972) và Xi măng Bỉm Sơn (1974); khảo sát tuyến đường mòn Hồ Chí Minh phục vụ cho chiến lược giải phóng Miền Nam (1974).Với sự nhạy bén chính trị của lãnh đạo và tập thể giáo viên, Bộ môn đã nắm bắt rất kịp thời những cuộc vận động lớn của Đất nước để động viên sức lực đóng góp cho sự nghiệp phát triển. Với Phong trào thực hiện Chỉ thị 228-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các nhà Địa mạo đã tỏa về các đoàn Địa chất để tiến hành những nghiên cứu địa mạo có tầm cỡ rộng lớn (Lập bản đồ địa mạo tỷ lệ 1:200.000 tờ Lạng Sơn và lân cận năm 1972-1973), tham gia các đoàn điều tra cơ bản phục vụ Quy hoạch và Tổ chức lãnh thổ ở Bắc Quang, Hà Giang (1973). Những vấn đề kinh điển của địa mạo, như vấn đề pediment hóa, vấn đề laterit hóa, đặc điểm vỏ phong hóa ở những vùng có chế độ khí hậu khác nhau, tài nguyên địa mạo, v.v đã được đặc biệt quan tâm và có kết quả tốt. Nửa cuối những năm 80, khi trình độ của đội ngũ đã đạt tới tầm bao quát những vấn đề khoa học rộng lớn, tập thể Bộ môn đã hợp tác với Trường ĐHTH Lômônôxôp - Liên Xô để thành lập Bản đồ địa mạo Việt Nam tỉ lệ 1: 1.000.000 và với kinh nghiệm thu được từ công trình hợp tác này, bộ môn đã đảm nhận việc thành lập Bản đồ địa mạo Đông Dương tỉ lệ 1: 1.000.000 trong khuôn khổ một dự án hợp tác lớn giữa Tổng cục Địa chất Việt Nam với Campuchia và Lào (Bản đồ Địa mạo Campuchia, Lào và Việt Nam).
+ Hướng nghiên cứu hang động học: Sau những kết quả nghiên cứu địa mạo karst được thực hiện ở nhiều vùng lãnh thổ khác nhau, việc nghiên cứu cảnh quan karst và hang động tại bộ môn Địa mạo được đánh dấu bằng việc thực hiện đề tài “Nghiên cứu cảnh quan karst phục vụ phát triển du lịch”, mã số KT-01-07 (1991-1995) do GS.TSKH. Nguyễn Quang Mỹ chủ trì. Hướng nghiên cứu này được quan tâm thích đáng và đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển du lịch hang động và góp phần vào việc xây dựng hồ sơ công nhận Di sản thiên nhiên thế giới cho 2 khu du lịch nổi tiếng là Hạ Long và Phong Nha - Kẻ Bàng. Năm 2015, sau 25 năm hợp tác nghiên cứu hang động với Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh, Bộ môn cùng các chuyên gia hang động Anh đã đo được hơn 300km hang động trên khắp các vùng núi đá vôi ở Việt Nam. Thành tựu nổi bật là kết quả khám phá và khảo sát hang Khe Ry - hang dài nhất Việt Nam, hang nước dài nhất thế giới - vào các năm 1997, 1999 và hang Sơn Đoòng (Quảng Bình) - hang lớn nhất thế giới hiện nay - vào các năm 2009, 2010, 2015.
+ Để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế biển và giải quyết những vấn đề tài nguyên - môi trường biển, bộ môn đã phát triển một hướng nghiên cứu mới trên cơ sở hướng Địa mạo bờ và đáy biển, đó là Địa lí và Môi trường biển. Như vậy, trong Bộ môn Địa mạo đã có tới 3 chuyên môn hẹp là Địa mạo lục địa, Địa mạo biển và Địa lý & Môi trường biển. Hầu hết các bản đồ địa mạo đáy biển từ 0 – 100m nước ở các tỷ lệ 1:500.000, 1:100.000 hiện được thực hiện ở Tổng cục Biển và hải đảo, Bộ tài nguyên và Môi trường đều do cán bộ của bộ môn chủ trì. Một số bản đồ địa mạo đảo ở khu vực Trường Sa – Tư Chính tỷ lệ lớn cũng được xây dựng tại bộ môn theo các đề tài/dự án khoa học giữa Trường Đại học Khoa học Tự nhiên và Trung tâm Điều tra tài nguyên môi trường thuộc Tổng cục Biển Đảo Việt Nam.
+ Hướng nghiên cứu tai biến thiên nhiên và thích ứng biến đổi khí hậu: Một hướng nghiên cứu đạt nhiều kết quả là nghiên cứu vấn đề xói mòn và bảo vệ đất đã được nhiều các cán bộ của bộ môn tham và có ý nghĩa khoa học, thực tiễn lớn. Trong thời gian từ hơn 10 năm nay, các cán bộ của bộ môn đã có những đóng góp đáng kể cho hướng nghiên cứu tai biến thiên nhiên như lũ lụt, trượt lở đất, lũ bùn - đá, xói lở bờ sông, bờ biển, xói lở - bồi tụ vùng cửa sông và ảnh hưởng của nước biển dâng do biến đổi khí hậu. Năm 2014, PGS.TS. Vũ Văn Phái cùng các cán bộ của bộ môn hoàn thành một đề tài nhà nước “Nghiên cứu đánh giá biến động đường bờ biển các tỉnh Nam Bộ dưới tác động của biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng”, mã số: BĐKH.07 thuộc Chương trình Biến đổi khí hậu theo hướng nghiên cứu này.
+ Địa mạo có mối liên quan chặt chẽ với Lịch sử và Khảo cổ học. Theo hướng này, Bộ môn đã có nhiều công trình hợp tác với các nhà sử học như: Nghiên cứu vùng cửa sông Bạch Đằng, nghiên cứu địa mạo đô thị cổ Hội An, nghiên cứu địa mạo thành Cổ Loa, nghiên cứu địa mạo thành phố Hà Nội mới...và góp phần vào sự thành công của Hồ sơ công nhận hai Di sản văn hóa Thế giới: Đô thị cổ Hội An và Thánh địa Mỹ Sơn.
+ Đặc biệt cần nhấn mạnh một bước chuyển biến mới trong cách tư duy về chuyên môn của các nhà địa mạo trong bộ môn, đó là trên cơ sở địa mạo học thực hiện những nghiên cứu địa lý tổng hợp, đánh giá tài nguyên, vận dụng trong lĩnh vực quy hoạch phát triển theo nguyên lý kinh tế sinh thái. Đề tài cấp nhà nước mã số TN3/T19 thuộc Chương trình Tây Nguyên “Nghiên cứu cơ sở khoa học cho các giải pháp tăng cường liên kết vùng giữa Tây Nguyên với duyên hải Nam Trung Bộ trong sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường và phòng tránh thiên tai” do PGS.TS. Đặng Văn Bào chủ trì đã được hoàn thành năm 2015 trên cơ sở phát huy các giá trị của nghiên cứu địa mạo và tài nguyên địa hình gắn với các hệ sinh thái phục vụ cho liên kết vùng.
4. Hoạt động hợp tác quốc tế
Trên bình diện quốc tế, các nhà khoa học của Bộ môn Địa mạo Trường ĐH KHTN, ĐHQG Hà Nội đã hợp tác nghiên cứu khoa học với nhiều trường đại học danh tiếng, như Đại học Tổng hợp Lômônôxôp (Liên bang Nga), Đại học Paris 1, Đại học Boocđô 3 Michel de Montaign (Cộng hòa Pháp), Đại học Sherbrook (Canada), Trường Đại học Tổng hợp Tokyo và Chiba (Nhật Bản), Đại học Catholic Leuven (Vương quốc Bỉ), Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh, Hội Hang động Bungari,...
Việc khám phá, đo vẽ và nghiên cứu hang động vùng Phong Nha – Kẻ Bàng nói chung và hang động Sơn Đoòng nói riêng là sản phẩm của sự hợp tác giữa bộ môn với Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh.
5. Các hướng phát triển ưu tiên hiện nay
1. Hướng nghiên cứu địa mạo nhằm giảm thiểu tai biến thiên nhiên (nghiên cứu,đánh giá tai biến thiên nhiên trong quy hoạch và phát triển đô thị - nông thôn, nghiên cứu trượt lở đất, lũ lụt, lũ bùn đá, tai biến xói lở - bồi tụ bờ sông, bờ biển, xác lập hành lang bảo vệ bờ biển,...);
2. Hướng nghiên cứu địa mạo, địa lý tài nguyên và môi trường biển, quản lý tổng hợp và thống nhất đới bờ biển; thành lập bản đồ địa mạo phục vụ tìm kiếm, đánh giá khoáng sản đáy biển và quy hoạch, quản lý biển đảo;
3. Nghiên cứu đánh giá cảnh quan karst và khảo sát đo vẽ hang động, phát triển bền vững cảnh quan và hang động karst;
4. Nghiên cứu địa mạo, cổ địa lý và biến đổi môi trường trong Đệ tứ và thích ứng biến đổi khí hậu.
5. Nhiên cứu đánh giá tài nguyên địa mạo, địa mạo sinh thái phục vụ phát triển bền vững.
6. Khen thưởng
Bộ môn Địa mạo đã được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2000, được nhận Huân chương lao động hạng III năm 2010; các cán bộ từng và đang làm việc tại bộ môn đã được tặng Huân chương lao động hạng nhất (1 người), hạng 2 (2 người), hạng 3 (2 người), Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (9 người) và nhiều Bằng khen của Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, Bộ Giáo dục và đào tạo, UBND các tỉnh.
7. Lãnh đạo bộ môn qua từng thời kỳ
- Giai đoạn 1966 – 1973: Tổ Địa lý do PGS.TS. Nguyễn Vi Dân làm tổ trưởng;
- Giai đoạn 1973 – 1975: Tổ bộ môn Địa lý – Địa mạo do GS.TSKH. Nguyễn Quang Mỹ làm chủ nhiệm;
- Giai đoạn 1975 – 1985: Bộ môn Địa mạo do GS.TSKH. Nguyễn Quang Mỹ làm chủ nhiệm;
- Giai đoạn 1986 – 1990: Bộ môn Địa mạo do PGS.TS. Nguyễn Hoàn làm chủ nhiệm;
- Giai đoạn 1991 – 1995: Bộ môn Địa mạo do GS.TSKH. Nguyễn Quang Mỹ làm chủ nhiệm, GVC. Nguyễn Xuân Trường làm phó chủ nhiệm;
- Giai đoạn 1996 – 2004: Bộ môn Địa mạo và Địa lý - Môi trường biển do PGS.TS. Vũ Văn Phái làm chủ nhiệm, PGS.TS. Đặng Văn Bào làm phó chủ nhiệm;
- Giai đoạn 2004 đến nay: Bộ môn Địa mạo và Địa lý - Môi trường biển do PGS.TS. Đặng Văn Bào làm chủ nhiệm, PGS.TS. Nguyễn Hiệu làm phó chủ nhiệm.
8. Các bộ qua các thời kỳ
8.1. Cán bộ đang công tác tại bộ môn
ĐẶNG VĂN BÀO - Ngày và nơi sinh: 10/02/1956, Bắc Ninh - Học hàm, học vị: CN/1977/ĐHTH Hà Nội; TS/1997/ĐHQG Hà Nội; PGS/2004. - Chuyên môn: Lập bản đồ địa mạo, địa chất Đệ tứ; Nghiên cứu tai biến thiên nhiên; Nghiên cứu đánh giá địa mạo và địa lý tổng hợp phục vụ quy hoạch phát triển lãnh thổ. - Thời gian công tác tại bộ môn: từ 1987 đến nay - Liên hệ: 024 38581420; dangvanbao@hus.edu.vn |
VŨ VĂN PHÁI - Ngày và nơi sinh: 15/6/1952, Thanh Hóa - Học hàm, học vị: CN/1977/ĐHTH Hà Nội; TS/1996/ĐHQG Hà Nội; PGS/2003. - Chuyên môn: Địa mạo bờ biển; Địa lý & Môi trường Biển; Quy hoạch và Quản lý Môi trường bờ biển; Địa mạo ứng dụng; Địa mạo karst. - Thời gian công tác tại bộ môn: từ 1978 đến nay - Liên hệ: 024 38581420; vuvanphai@yahoo.com.vn |
NGUYỄN HIỆU - Ngày và nơi sinh: 13/3/1976, Yên Bái - Học hàm, học vị: CN/1996/ ĐHQG Hà Nội ; ThS/2002/ĐHQG Hà Nội; TS/2008/VN; PGS/2011 - Chuyên môn: Nghiên cứu địa mạo phục vụ quy hoạch phát triển lãnh thổ, quản lý đới bờ; Ứng dụng viễn thám và GIS trong nghiên cứu địa mạo; Quản lý nguồn nhân lực. - Thời gian công tác tại bộ môn: từ 1997 đến nay - Liên hệ: hieun@vnu.edu.vn |
ĐẶNG KINH BẮC - Ngày và nơi sinh: 15/01/1989, Hà Nội - Học hàm, học vị: CN/2010/ ĐHQG Hà Nội; ThS/2012/ ĐHQG Hà Nội - Chuyên môn: Địa mạo ứng dụng; Mô hình GIS. - Thời gian công tác tại bộ môn: từ 2010 đến nay - Liên hệ: kinhbachus@gmail.com |
PHẠM THỊ PHƯƠNG NGA - Ngày và nơi sinh: 13/12/1990, Hà Nội - Học hàm, học vị: CN/2012/ ĐHQG Hà Nội; ThS/2015/ ĐHQG Hà Nội - Chuyên môn: Tài nguyên địa mạo; Quản lý tài nguyên và môi trường. - Thời gian công tác tại bộ môn: từ 2012 đến nay - Liên hệ: 024 38581420; ppn1312@yahoo.com |
HOÀNG VĂN TRỌNG - Ngày và nơi sinh: 27/9/1990, Nam Định - Học hàm, học vị: CN/2013/ ĐHQG Hà Nội - Chuyên môn: Địa lý tự nhiên; Địa mạo sinh vật. - Thời gian công tác tại bộ môn: từ 9/2016 đến nay - Liên hệ: 024 38581420; hoangtronghus@gmail.com |
8.2. Cán bộ đã công tác tại bộ môn
NGUYỄN QUANG MỸ - Ngày và nơi sinh: 20/12/1939, Quảng Bình - Học hàm, học vị: CN/1966/Liên Xô; TS/1971/Liên Xô; TSKH/1991/Liên Xô; PGS/1984; GS/2002 - Chuyên môn: Xói mòn đất; Địa mạo karst; Tai biến thiên nhiên. - Thời gian công tác tại bộ môn: từ 1966 đến 1997 - Đã mất năm 2014 |
NGUYỄN VI DÂN - Ngày và nơi sinh: 03/08/1934 - Học hàm, học vị: CN/1967/Liên Xô; TS/1986/Liên Xô; PGS/1991 - Chuyên môn: Tai biến thiên nhiên; Bản đồ địa mạo; Địa mạo karst; Địa lý tổng hợp. - Thời gian công tác tại bộ môn: từ 1967 đến 2001 |
ĐÀO ĐÌNH BẮC - Ngày và nơi sinh: 20/06/1942 - Học hàm, học vị: CN/1966/Liên Xô; TS/1981/Liên Xô; PGS/2002; GS/2005 - Chuyên môn: Địa mạo đại cương; Bản đồ địa mạo; Địa mạo ứng dụng; Địa lý tổng hợp; Quy hoạch đô thị. - Thời gian công tác tại bộ môn: từ 1968 đến 2007 - Liên hệ: daodinhbac42@gmail.com |
NGUYỄN HOÀN - Ngày và nơi sinh: 31/01/1940 - Học hàm, học vị: CN/1966/Liên Xô; TS/1979/Bungary; PGS/1991 - Chuyên môn: Địa mạo biển - Thời gian công tác tại bộ môn: từ 1996 đến 2005 |
NGUYỄN ĐỨC KHẢ - Ngày và nơi sinh: 17/6/1949, Hà Nội - Học hàm, học vị: CN/1971/ĐHTH Hà nội - Chuyên môn: Địa mạo; Quản lý đất đai - Thời gian công tác tại bộ môn: từ 1972 đến 1997 - Liên hệ: 024 38581420; nguyenkha176@gmail.com |
NGUYỄN XUÂN TRƯỜNG - Ngày và nơi sinh: 02/10/1943, Hà Nội - Học hàm, học vị: CN/1969/Liên Xô; ThS/1986/Thụy Điển - Chuyên môn: Địa mạo - địa chất biển. - Thời gian công tác tại bộ môn: từ 1969 đến 1997 - Đã mất năm 2003 |
NGUYỄN THỊ THANH HẢI - Ngày và nơi sinh: 26/01/1959 - Học hàm, học vị: CN/1992/ĐHTH Hà Nội - Chuyên môn: Kỹ thuật viên - Thời gian công tác tại bộ môn: từ 1980 đến 2014 - Liên hệ: 0437336299 |
ĐINH HỮU LỰC - Ngày và nơi sinh: 07/5/1955, Ninh Bình - Học hàm, học vị: CN/1977/ĐHTH Hà Nội - Chuyên môn: Địa mạo biển. - Thời gian công tác tại bộ môn: từ 1978 đến 1980 |
QUÁCH CAO YỀM - Ngày và nơi sinh: 15/02/1955 - Học hàm, học vị: CN/1977/ĐHTH Hà Nội - Chuyên môn: Địa mạo; Xói mòn đất. - Thời gian công tác tại bộ môn: từ 1978 đến 1984 |