skip to primary navigation skip to content

Vietnamese English - UK

 

Bộ môn Công nghệ và thông tin đất đai

Bộ môn Công nghệ và thông tin đất đai

Bộ môn Công nghệ và thông tin đất đai 

Department of Land Informatics

Trưởng bộ môn: PGS.Dr. Trần Quốc Bình 
Phó trưởng bộ môn: PGS.TS Mẫn Quang Huy

1. Giới thiệu chung

Vào thời điểm những năm 2005-2006, ngành Địa chính ở Khoa Địa lý, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên đã trải qua gần 10 năm phát triển và bắt đầu khẳng định được vị thế của mình. Bước sang giai đoạn phát triển mới, ngành Địa chính đặt ra mục tiêu cải tiến, đổi mới hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học nhằm phát huy thế mạnh của Khoa Địa lý và Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, từ đó đem lại những đóng góp tích cực hơn nữa cho xã hội.

Trong xu thế phát triển chung của cả thế giới với vai trò ngày càng gia tăng của khoa học và công nghệ, nhiệm vụ chiến lược của ngành Quản lý đất đai ở Việt Nam là đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ hiện đại trong thu thập, xử lý, phân tích và phân phối dữ liệu về đất đai, lấy đó làm bàn đạp để hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Để thực thi thành công nhiệm vụ chiến lược của ngành, yêu cầu phải có nguồn nhân lực chất lượng cao không chỉ nắm vững các kiến thức về quản lý đất đai và thị trường bất động sản, mà còn phải giỏi về công nghệ, có thể làm chủ được các trang thiết bị hiện đại.

Nắm bắt được nhu cầu của xã hội, ngay từ những năm đầu phát triển, ngành Địa chính ở Khoa Địa lý, Trường ĐHKHTN đã rất chú trọng đến các hướng đào tạo và nghiên cứu về công nghệ phục vụ quản lý đất đai và thị trường bất động sản. Đến năm 2006, với sự giúp đỡ tích cực của lãnh đạo Khoa Địa lý, đặc biệt là của GS.TS. Nguyễn Cao Huần - Chủ nhiệm Khoa, chương trình đào tạo của ngành Địa chính đã được đổi mới với 2 chuyên ngành là Khoa học Địa chính và Công nghệ Địa chính.

Sự hình thành của chuyên ngành đào tạo mới đòi hỏi phải có sự thay đổi về cơ cấu tổ chức cho phù hợp. Các cán bộ của Bộ môn Địa chính dưới sự lãnh đạo của Ban chủ nhiệm Khoa Địa lý đã khẩn trương xúc tiến việc xây dựng một bộ môn mới - Bộ môn Công nghệ Địa chính. Tháng 12/2006, đề án thành lập Bộ môn Công nghệ Địa chính đã được thông qua trước Hội đồng Khoa học và Đào tạo Trường, và ngày 28/12/2006, Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Tự nhiên đã ra quyết định số 2966/QĐ-TCCB về việc thành lập Bộ môn Công nghệ Địa chính và bổ nhiệm TS. Trần Quốc Bình (đang công tác tại Bộ môn Địa chính) làm Chủ nhiệm Bộ môn và ThS. Nguyễn Thị Thanh Hải (đang công tác tại bộ môn Bản đồ - Viễn thám) làm Phó Chủ nhiệm Bộ môn. Nhằm đảm bảo nhân sự cho hoạt động ban đầu, Khoa Địa lý đã tuyển dụng CN. Lê Phương Thúy (vừa tốt nghiệp đại học loại xuất sắc năm 2007) và chuyển CN. Nguyễn Đức Linh (lúc đó đang công tác tại Văn phòng Khoa) về sinh hoạt tại Bộ môn Công nghệ Địa chính.

Với những nỗ lực và phấn đấu về đào tạo và nghiên cứu khoa học, đội ngũ cán bộ của Bộ môn đã có những bước phát triển đáng kể: năm 2007, TS. Trần Quốc Bình được phong học hàm Phó giáo sư; năm 2009, ThS. Nguyễn Thị Thanh Hải được chuyển ngạch Giảng viên chính; cũng trong năm 2009, CN. Lê Phương Thúy đã được nhận bằng Thạc sĩ Khoa học với luận văn tốt nghiệp đạt loại xuất sắc; năm 2011, Bộ môn có thêm thành viên mới là CN. Nguyễn Xuân Linh (đã được nhận bằng Thạc sĩ năm 2016). Năm 2015, thêm một thành viên nữa về công tác tại bộ môn là CN. Phạm Lê Tuấn (hiện đang là học viên cao học). Từ năm 2011, PGS.TS. Trần Quốc Bình được bổ nhiệm làm Phó Trưởng phòng rồi sau đó là Trưởng phòng Khoa học – Công nghệ của Trường, đồng thời kiêm nhiệm công tác giảng dạy và quản lý tại Bộ môn. Từ tháng 7/2016, TS. Mẫn Quang Huy được Khoa Địa lý điều động từ Bộ môn Địa chính sang công tác tại Bộ môn Công nghệ Địa chính để tăng cường nhân lực cho Bộ môn. Các cán bộ của Bộ môn ngoài nhiệm vụ chính là giảng dạy các môn học của ngành Quản lý đất đai, còn đảm nhận các công việc quản lý của Khoa như phụ trách Công đoàn khoa, Đoàn thanh niên, Chủ nhiệm lớp, Trợ lý giáo vụ khoa, Trợ lý chính trị và công tác sinh viên,...

Nhìn lại quá trình phát triển, 10 năm là một khoảng thời gian tuy ngắn nhưng đầy ý nghĩa đối với Bộ môn Công nghệ Địa chính. Tập thể cán bộ của Bộ môn đã có những bước tiến đáng ghi nhận, dần khẳng định vai trò và vị thế của mình đối với Khoa, Nhà trường và xã hội. Phát huy kết quả đạt được, các cán bộ của Bộ môn quyết tâm phấn đấu để đưa các hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học lên một mốc phát triển mới, qua đó đóng góp tích cực vào quá trình phát triển của Đất nước trong Thế kỷ XXI.  

2. Đào tạo

Vượt qua những khó khăn ban đầu, các cán bộ của Bộ môn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đào tạo. Hàng năm, Bộ môn giảng dạy 12-14 môn học cho bậc đại học và 2-3 môn học cho bậc sau đại học, hướng dẫn 10-15 khóa luận tốt nghiệp hệ đại học chính quy, 2-5 luận văn thạc sĩ. Đặc biệt, Bộ môn đã hướng dẫn nhiều báo cáo khoa học sinh viên đạt giải cao cấp Khoa và cấp Trường, trong đó có 3 báo cáo đạt giải "Sinh viên nghiên cứu khoa học" cấp Bộ Giáo dục và Đào tạo các năm 2007, 2008 và 2009.

3. Nghiên cứu khoa học

Song song với nhiệm vụ đào tạo, Bộ môn Công nghệ Địa chính rất chú trọng đến công tác nghiên cứu khoa học, coi đó là nhiệm vụ trọng tâm đối với một bộ môn của trường đại học nghiên cứu lớn. Kể từ khi được thành lập đến nay, các cán bộ của Bộ môn đã chủ trì thành công 12 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp (1 đề tài NCCB, 1 đề tài đặc biệt cấp ĐHQGHN, 2 đề tài cấp ĐHQGHN, 4 đề tài cấp cơ sở, 4 đề tài hợp tác quốc tế và với cơ quan ngoài). Các đề tài NCKH đều có ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao, ví dụ như đề tài NCCB "Nghiên cứu, đánh giá độ chính xác của mô hình số độ cao thành lập bằng công nghệ ảnh số và hệ thống định vị toàn cầu (GPS) phục vụ quản lý tài nguyên và môi trường (lấy ví dụ các tỉnh miền núi Tây Bắc Việt Nam)" đã đưa ra được các giải pháp nâng cao độ chính xác của mô hình số độ cao thành lập bằng công nghệ ảnh số, hay đề tài "Nghiên cứu xây dựng phần mềm hệ thống thông tin đất đai cấp cơ sở ở khu vực đô thị (thử nghiệm tại phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội)" đã thiết kế được một hệ thống thông tin đất đai cấp cơ sở bằng các phần mềm mã nguồn mở, đề tài “Nghiên cứu ứng dụng GIS trong quy hoạch sử dụng đất cấp huyện và cấp xã” đã đưa ra được một hệ thống giải pháp tổng thể ứng dụng công tác quy hoạch sử dụng đất,...

Các kết quả nghiên cứu khoa học của Bộ môn đã được công bố trong 32 công trình khoa học đăng ở Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, Tạp chí Địa chính, báo cáo ở các Hội nghị Địa lý toàn quốc, Hội nghị Địa lý Đông Nam Á, Hội nghị khoa học Quản lý đất đai,...

4. Hoạt động hợp tác quốc tế

Không chỉ giới hạn bởi các hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học ở trong đơn vị, Bộ môn Công nghệ Địa chính còn tích cực trong các hoạt động hợp tác với quốc tế và các đơn vị bạn. Cán bộ của Bộ môn đã tham gia giảng dạy và hướng dẫn luận văn thạc sĩ cho chương trình đào tạo Thạc sĩ của Trường Đại học Mỏ - Địa chất. Cùng với Bộ môn Địa chính, Bộ môn Công nghệ Địa chính giữ vai trò chủ chốt trong xây dựng và triển khai chương trình đào tạo Thạc sĩ Quản lý đất đai đạt trình độ quốc tế hợp tác giữa Khoa Địa lý và Khoa ITC, Đại học Twente, Hà Lan. Trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, Bộ môn có mối quan hệ hợp tác lâu dài với Trường Đại học Nữ Chiêu Hòa, Nhật Bản trong công tác bảo tồn các giá trị văn hóa của làng cổ Việt Nam. Các cán bộ của Bộ môn đã làm việc với những chuyên gia văn hóa Đông Phương hàng đầu của Nhật Bản trong việc xây dựng cơ sở dữ liệu địa hình tỷ lệ lớn phục vụ cho công tác công nhận, tôn tạo và gìn giữ kiến trúc độc đáo và bản sắc văn hóa của các làng cổ Việt như Đường Lâm (Hà Tây cũ), Phước Tích (Thừa Thiên - Huế), Phú Hội (Đồng Nai), Cái Bè (Tiền Giang).

5. Các hướng phát triển ưu tiên hiện nay

Đối với hoạt động đào tạo, Bộ môn tiếp tục phát triển đào tạo theo hướng chuyên sâu về ứng dụng và phát triển công nghệ trong lĩnh vực quản lý đất đai.

Đối với nghiên cứu khoa học, Bộ môn sẽ đẩy mạnh 3 hướng nghiên cứu sau:

- Các giải pháp hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai. Xây dựng hệ thống thông tin đất đai và phát triển hạ tầng thông tin đất đai.

- Các công nghệ thu thập dữ liệu đất đai, trọng tâm là các công nghệ có tính tự động hóa cao như định vị vệ tinh, ảnh số, quét laser,... Các phương pháp và kỹ thuật xử lý, chuẩn hóa và hiển thị dữ liệu đất đai.

- Công nghệ địa không gian và các công cụ toán học trong giải quyết các bài toán về quản lý và sử dụng tài nguyên đất đai. Hỗ trợ thông tin cho việc ra quyết định về đất đai và các lĩnh vực có liên quan trên nền tảng công nghệ GIS, WebGIS, điện toán đám mây,...

6. Khen thưởng

Liên tục trong các năm từ 2008 đến nay, Bộ môn Công nghệ Địa chính đều được nhận danh hiệu lao động tiên tiến. Năm 2015, với những đóng góp của các thành viên trong bộ môn về các mặt đào tạo, nghiên cứu khoa học, cũng như các hoạt động tập thể cho Khoa Địa lý, Bộ môn được vinh dự nhận danh hiệu tập thể lao động xuất sắc.

Ngoài ra, Bộ môn còn được nhận giấy khen của Hiệu trưởng Trường ĐHKHTN do có thành tích hướng dẫn Sinh viên nghiên cứu khoa học đạt giải Nhất, giải Nhì, giải Ba cấp Trường; bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn Sinh viên nghiên cứu khoa học đạt giải Nhì cấp Bộ. 

7. Lãnh đạo Bộ môn qua các thời kỳ

- Giai đoạn 2006 - 2014: PGS.TS. Trần Quốc Bình (Chủ nhiệm), GVC. Nguyễn Thị Thanh Hải (Phó chủ nhiệm)

- Giai đoạn 2014 - 2019: PGS.TS. Trần Quốc Bình (Chủ nhiệm)

8. Cán bộ qua các thời kỳ

8.1. Các cán bộ đang công tác

TRẦN QUỐC BÌNH

- Ngày và nơi sinh: 19/02/1969, Hải Dương

- Học vị, học hàm: KS/1991/CHLB Nga; TS/1995/ CHLB Nga, PGS/2007.

- Chuyên môn: Đo đạc địa chính, Các hệ thống thông tin đất đai và hệ thống thông tin địa lý; Lập trình ứng dụng.

- Thời gian công tác tại bộ môn: từ 2006 đến nay (công tác tại Bộ môn Địa chính 1999- 2005) 

- Liên hệ: 0912856926; tranquocbinh@hus.edu.vn

MẪN QUANG HUY

- Ngày và nơi sinh: 08/10/1973, Bắc Giang

- Học vị, học hàm: KS/1995/ĐHNN HN; ThS/2000/ĐHNN HN; TS/2010/CHLB Đức

- Chuyên môn: Quy hoạch và quản lý đất đai đô thị; Kinh tế đất và thị trường bất động sản; Hệ thông tin trợ giúp ra quyết định.

- Thời gian công tác tại bộ môn: từ 2016 đến nay (công tác tại khoa từ năm 2011) 

- Liên hệ: 0982608395; mqhuy@vnu.edu.vn

LÊ PHƯƠNG THÚY

- Ngày và nơi sinh: 07/02/1985, Hà Nội

- Học vị, học hàm: CN/2007/ĐHQGHN; ThS/2009/ ĐHQGHN

- Chuyên môn: Công nghệ ảnh số; Hệ thống thông tin đất đai, Hệ thống thông tin địa lý.

- Thời gian công tác tại bộ môn: từ 2007 đến nay 

- Liên hệ: 0989398596; lethuy090385@gmail.com 

NGUYỄN XUÂN LINH

- Ngày và nơi sinh: 02/12/1989, Hà Nội

- Học vị, học hàm: CN/2011/ĐHQGHN; ThS/2016/ ĐHQGHN

- Chuyên môn: Công nghệ ảnh số; Hệ thống thông tin đất đai; Hệ thống thông tin địa lý.

- Thời gian công tác tại bộ môn: từ 2011 đến nay 

- Liên hệ: 0986937886; thayninh@gmail.com 

PHẠM LÊ TUẤN

- Ngày và nơi sinh: 03/10/1989, Hà Nội

- Học vị, học hàm: CN/2011/ĐHQGHN 

- Chuyên môn: Xử lý số liệu đo đạc; Trắc địa; GPS

- Thời gian công tác tại bộ môn: từ 2014 đến nay 

- Liên hệ: 01696831089; paletu89@gmail.com

8.2. Các cán bộ đã công tác tại bộ môn

NGUYỄN THỊ THANH HẢI

- Ngày và nơi sinh: 09/03/1959, Hải Phòng

- Học vị, học hàm: KS/1983/Liên Xô;ThS/2001/ ĐHNN Hà Nội

- Chuyên môn: Nghiên cứu và hoạt động chuyên môn về chuyên ngành Bản đồ.

- Thời gian công tác tại bộ môn: từ 2006 đến 2014 (công tác tại Bộ môn Bản đồ-Viễn thám: 1998-2005)

- Liên hệ: 0914644686